Lược sử ngành nuôi trồng Thuỷ sản

Thủy hải sản là một trong những nguồn thức ăn quan trọng của nhân loại

Năm 2020, Cermaq – một công ty nuôi trồng thủy sản lớn ở Thụy Điển – đã khởi động dự án iFarm trị giá 64 triệu USD với mục tiêu giám sát không chỉ toàn bộ lồng cá mà là từng cá thể cá được nuôi trong bè. Từ cái lồng cá áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại của Cermaq trở ngược về ao cá thô sơ được đào sau vườn, ngành nuôi trồng thủy sản đã phải trải qua nhiều bước ngoặt trong hơn 3000 năm phát triển của mình.

Ngàn năm tập tễnh những bước đầu nuôi trồng thủy sản

Dẫu đã được nhân loại sử dụng làm nguồn thức ăn trong suốt nhiều thiên niên kỷ, thủy hải sản chủ yếu được đánh bắt tự nhiên chứ không sớm được thuần hóa để nuôi trồng như nhiều loài động thực vật trên cạn. Mãi đến những năm 1000 TCN, các bằng chứng đầu tiên về hoạt động nuôi cá mới được ghi nhận tại Trung Quốc. Cụ thể là vào những năm 500 TCN, danh sĩ Phạm Lãi (525-455 TCN) đã miêu tả trong quyển Dưỡng ngư kinh (养鱼经) việc nuôi cá chép để làm thực phẩm. Và cũng chính từ Trung Quốc, phương thức nuôi ghép, hay ta vẫn quen gọi là Vườn-Ao-Chuồng, đã được thực hành và tồn tại đến tận bây giờ.

Cùng thời điểm đó, người La Mã ở châu Âu cũng bắt đầu những hoạt động nuôi trồng thủy sản đầu tiên từ những năm 500 TCN. Họ áp dụng cách làm bể cá của người Assyria để nuôi trữ thịt cá và các loài giáp xác trong nhà để dùng khi cần thiết. Truyền thống này tiếp tục được lưu truyền và phát triển tại châu Âu suốt thời kỳ Trung Đại tới thời kỳ Khai Sáng với những khám phá mới trong kỹ thuật đào ao, chọn tôm giống, cho ăn. Nghề nuôi vẹm cũng ra đời tại đây vào khoảng thế kỷ 13 với kỹ thuật gần như không đổi trong suốt 7 thế kỷ sau đó.

Vậy là từ Á sang Âu, trong hơn 2000 năm, những bước sơ khai của ngành nuôi trồng thủy sản đã được thiết lập. Tuy nhiên, vì kỹ thuật canh tác còn lạc hậu và thủy sản chủ yếu được nuôi bởi giới quý tộc có điền sản để phục vụ nhu cầu cá nhân, nên hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn rất nhỏ lẻ và chưa được xem như một nguồn cung thực phẩm chính.

Công nghiệp hóa và những bước ngoặc nuôi trồng thủy sản

Khởi đầu từ châu Âu, cách mạng công nghiệp hóa đã làm biến đổi hoàn toàn diện mạo xã hội loài người, trong đó có ngành nuôi trồng thủy sản. Dẫu mang lại những lợi ích to lớn, công nghiệp hóa cũng đồng thời tạo ra nhiều vấn đề mới cần được khắc phục. Trong khoảng 100 năm, các ngành công nghiệp đã gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực vào hệ sinh thái, kết hợp với với việc đánh bắt quá mức do áp lực dân số ngày càng tăng, khiến cho số lượng nhiều quần thể cá sụt giảm đáng kể. Để đối phó với tình trạng này, ngành nuôi trồng thủy sản bắt đầu được quan tâm phát triển để tạo nguồn thay thế cho đánh bắt tự nhiên.

Năm1924, cá rô phi – một trong những loài thủy sản được nuôi nhiều nhất hiện nay – lần đầu tiên được nuôi nhốt tại Kenya. Năm 1927, kỹ thuật nuôi hào bằng cách chăng dây được Hidemi Seno và Juzo Hori công bố tại Nhật Bản, thay thế phương thức nuôi truyền thống bằng cách cắm cọc tre xuống vùng nước nông. Năm 1933, Alvin Seale ở California tìm ra cách chế biến Atermia (tôm ngâm nước mặn) làm thức ăn cho ấu trùng tôm cá. Những năm 1950, cùng với việc phát minh ra thức ăn nhân tạo dạng hạt là sự ra đời của những vật loại xây dựng mới, nhẹ, bền và ít tốn kém hơn (như nhựa, sợi thủy tinh, …) đã tạo nên cuộc cách mạng trong ngành nuôi trồng thủy sản. Và còn hàng trăm, hàng ngàn những cải tiến và khám phá khác đã được thực hiện trong giai đoạn này, góp phần thay đổi diện mạo ngành nuôi trồng thủy sản. Từ một ngành nhỏ bé so với trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bắt đầu phát triển nhanh chóng và bộc lộ tiềm năng như một nguồn cung cấp lương thực chính cho nhân loại.

Bùng nổ dân số và cuộc cách mạng nuôi trồng thủy sản

Chỉ trong một phần tư cuối của thế kỷ XX, dân số thế giới tăng vọt từ 4 tỷ lên 6 tỷ người và phần lớn sự gia tăng này xảy ra ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, sản lượng cá đánh bắt tự nhiên đã chững lại, đạt mức cao nhất vào những năm 1990. Lo ngại việc suy dinh dưỡng xảy ra khi dân số tăng cao cũng như nạn đói ngày càng sâu sắc ở các nước nghèo, các cơ quan quốc tế bắt đầu tích cực thúc đẩy nuôi trồng thủy sản như một nguồn cung protein động vật quan trọng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển. Điều này đã tạo tiền đề cho cuộc các cách mạng nuôi trồng thủy sản diễn ra từ những năm 1970 và qua thời gian, “sản lượng nuôi trồng thủy sản đã vượt qua sản lượng đánh bắt tự nhiên kể từ năm 2013” (theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc).

Bè nuôi tôm ở Phú Yên
Bè nuôi tôm ở Phú Yên

Bước sang thế kỷ 21, nuôi trồng thủy sản hiện là ngành phát triển nhất so với các ngành sản xuất lương thực chính khác. Bằng việc áp dụng các đột phá mới trong lĩnh khoa học, ngành nuôi trồng thủy sản đã được hiện đại hóa toàn diện và tiến ra những vùng nước xa và sâu hơn. Năm 2017, SalMar, một công ty nuôi cá hồi của Thụy Điển, đã đưa vào hoạt động Ocean Farm 1, trang trại cá ngoài khơi xa lớn nhất trên thế giới. Lồng cá cao 68 mét và rộng 110 mét này được lắp đặt hơn 20.000 cảm biến để theo dõi và nuôi cùng lúc 1,5 triệu cá thể cá hồi Đại Tây Dương. Đến năm 2018, Trung Quốc cũng cho hạ thủy trang trại cá ngoài khơi xa đầu tiên của mình. Với chiều cao 35 mét, lồng cá được đặt cách bờ 240 cây số và sâu 50 mét dưới mặt nước biển để đạt nhiệt độ tối ưu nhất cho việc nuôi cá hồi. Microsoft, ABA và nhiều công ty công nghệ lớn khác cũng bắt đầu tham gia nghiên cứu cảm biến, trí thông minh nhân tạo để giúp việc nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên thuận lợi.

Dẫu có lịch sử khá khiêm tốn và còn nhiều vấn đề cần khắc phục, nuôi trồng thủy sản ngày càng được xem trọng và tập trung phát triển. Không chỉ là tiềm năng, nuôi trồng thủy sản hiện nay đã thật sự là chìa khóa đảm bảo nguồn cung protein nuôi sống toàn bộ nhân loại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *