Các mô hình nuôi tôm

Giảm bùn đáy làm cho nước ao nuôi sạch hơn

Nuôi tôm, nhìn chung có thể phân ra thành hai hình thức chính là quảng canh và thâm canh. Rồi dựa vào các đặc điểm khác, có thể tiếp tục chia nhỏ ra thành các mô hình như quảng canh cải tiến, bán thâm canh, siêu thâm canh, … Khi quyết định đi theo nghề tôm, bà con trước hết cần biết rõ điều kiện thực tế của mình, sau đó nắm rõ ưu nhược điểm của mỗi mô hình, từ đó chọn ra hình thức nuôi phù hợp với bản thân chứ đừng vội đi theo số đông. Vi cuộc sống thì mỗi người mỗi cảnh và nuôi tôm thì mỗi mô hình đều có mức độ đầu tư, yêu cầu kỹ thuật và điều kiện tự nhiên khác nhau.

Nuôi tôm quảng canh

Nuôi tôm quảng canh thường sử dụng các kỹ thuật nuôi truyền thống, chủ yếu dựa vào năng suất tự nhiên và ít kiểm soát về số lượng thả. Đây là hình thức nuôi bằng nguồn giống và thức ăn tự nhiên thông qua việc lấy nước và thức ăn qua cửa cống và nhốt giữ trong một thời gian nhất định (tùy vào điều kiện vùng miền). Mật độ tôm trong ao thường thấp với diện tích ao nuôi lớn (dao động từ 2- 100 ha).

Ưu điểm: Vốn đầu tư và vận hành thấp vì dựa vào môi trường tự nhiên, không tốn nhiều chi phí cho giống và thức ăn, lại cần ít nhân lực cho một đơn vị sản xuất (ha) và thời gian nuôi thường không dài do giống đã lớn. Tôm nuôi theo hình thức quảng canh ít bị các bệnh phổ biến như hoại tử phụ bộ (đứt râu, mòn đuôi,…) và có vỏ khá dày, cơ thịt săn chắc hơn so với tôm nuôi thâm canh (dùng thức ăn công nghiệp).

Nhược điểm: Năng suất và lợi nhuận thấp. Để tăng sản lượng thì cần tăng diện tích nuôi nên sẽ khó vận hành và quản lý, nhất là ở các ao đầm tự nhiên có hình dạng không cố định. Với giá đất tăng cao hiện nay, mô hình này có hạn chế rất lớn.

Nuôi tôm quảng canh cải tiến

Là hình thức nuôi dựa trên mô hình quảng canh nhưng có thả thêm giống ở mật độ thấp (0,5-2 con/m2) và/hoặc bổ sung thêm thức ăn (công nghiệp) không thường xuyên. Hình thức nuôi này thường là thu tỉa thả bù.

Ưu điểm: Chi phí đầu tư và vận hành thấp, có thể bổ sung con giống thu gom tự nhiên hay nhân tạo. Vừa giữ được chất lượng tôm như nuôi quảng canh, đồng thời giúp cải thiện năng suất của đầm nuôi.

Nhược điểm: Phải bổ sung con giống lớn để tránh hao hụt do địch hại trong ao nhiều. Năng suất và lợi nhuận vẫn còn thấp, đồng thời cũng khó quản lý do hình dạng và kích cỡ ao theo dạng quảng canh.

Mô hình tôm-lúa, tôm-rừng

Là hình thức nuôi quảng canh kết hợp với trồng rừng ngập mặn ở vùng ven biển hoặc xen canh với trồng lúa tại các vùng nước lợ. Đây được xem là mô hình nuôi trồng sinh thái đang nhận được nhiều quan tâm, ưu ái của các tổ chức vì môi trường.

Đối với mô hình tôm-rừng, người dân vùng ven biển quay lại truyền thống xưa khi các đập ngăn mặn và rừng chưa bị tàn phá, cứ mỗi tháng hai lần xổ tôm theo con nước, mười năm một lần tỉa và trồng lại rừng đước. Diện tích rừng thường chiếm 30 – 40 % diện tích đầm nuôi.

Còn mô hình tôm-lúa thì được áp dụng tại các vùng nước lợ, nơi mà nước mặn-ngọt theo mùa, theo đó mùa ngọt trồng lúa và mùa mặn thì thả tôm. Việc sử dụng phân, thuốc vì vậy mà được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn sinh học và chất lượng hữu cơ.

Ưu điểm: Mô hình nuôi sinh thái này tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển như trong tự nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường. Con tôm thương phẩm có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn hữu cơ và có thể xuất bán cho các thị trường cao cấp ở nước ngoài.

Nhược điểm: Năng suất không cao so với diện tích ao sử dụng.

Nuôi tôm bán thâm canh

Là hình thức nuôi kết hợp các nguyên lý giữa quảng canh và thâm canh. Vẫn dựa vào công nghệ và môi trường tự nhiên để hoạt động nhưng có điều khiển số lượng thả và dựa chủ yếu vào nguồn thức ăn bên ngoài (có thể là thức ăn công nghiệp hoặc kết hợp thức ăn tươi sống). Mật độ thả dao động từ 8-10 con/m2 theo tiêu chuẩn hoặc 15-24 con/m2 trên thực tế, với diện tích ao nuôi nhỏ (từ 0,5-1 ha).

Ưu điểm: Chi phí vận hành không quá cao như thâm canh nhưng cho năng suất cao hơn quảng canh do mật độ thả, lượng thức ăn (công nghiệp) và công nghệ được sử dụng nhiều hơn trong khi diện tích đất sử dụng giảm xuống.

Nhược điểm: Chất lượng tôm thương phẩm kém hơn so với quảng canh nên giá bán thấp, tuy nhiên sản lượng lại không nhiều như thâm canh.

Ao nuôi tôm thâm canh
Nuôi tôm thâm canh sản lượng thu hoạch tôm lớn, tốn nhiều chi phí đầu tư

Nuôi tôm thâm canh

Là hình thức nuôi dựa hoàn toàn vào thức ăn bên ngoài, chủ yếu sử dụng thức ăn (công nghiệp) có chất lượng cao. Mật độ thả cao từ 25-60 con/m2. Diện tích ao nuôi từ 0,5-2 ha, xây dựng hoàn chỉnh cấp và tiêu nước chủ động, có trang bị đầy đủ các phương tiện để quản lý và vận hành (hệ thống ao hầm, thủy lợi, điện nước,…).

Ưu điểm: Ao xây dựng hoàn chỉnh, kích thước nhỏ nên dễ vận hành và quản lý. Cho năng suất cao với kích cỡ tôm thu khá lớn. Có thể chủ động kiểm soát số lượng thả, dịch bệnh, phương pháp thu hoạch và nâng cao chất lượng đầu vào.

Nhược điểm: Chi phí đầu tư và duy trì cao. Cần phải có sự hiểu biết tương đối về các loài được nuôi để thiết kế và duy trì các thông số môi trường nước, mật độ thả và thức ăn ở mức tối ưu. Và các hệ thống thâm canh cũng tạo ra chất thải từ nguồn dinh dưỡng cho tôm như phốt-pho và amoniac, có thể gây hiện tượng phú dưỡng và nitrat hóa cao do đó gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Hiện nay, ngoài các mô hình quảng canh và thâm canh truyền thống, còn thấy xuất hiện thêm các mô hình siêu thâm canh (super-intensive), thâm canh chuyên sâu (hyper-intensive) và thâm canh cực kỳ chuyên sâu (ulra-intensive) với việc áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến và các quy trình quản lý phức tạp nhằm giảm diện tích đất sử dụng và tăng mật độ thả. Các mô hình này có thể cho năng suất rất cao nhưng đồng thời cũng kèm theo nhiều vấn đề về quản lý, dịch bệnh, chất lượng nước, …

Để được tư vấn và có thêm thông tin, bà con hãy liên hệ đến Bác sĩ Tôm qua số điện thoại: 0392 73 72 72

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *