Cách phòng bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng

Cách phòng bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng

“Nếu là người nuôi tôm chuyên nghiệp thì kiến thức đầu tiên mà chúng ta cần phải nắm rõ chính là điều kiện thổ nhưỡng của vùng nuôi. Đó là: nước ngọt, nước mặn vào những thời điểm nào, dịch bệnh bùng phát vào lúc nào, loại gì để có biện pháp phòng ngừa”- ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) chia sẻ về giải pháp phòng EHP hiệu quả từ thực tế trại nuôi của mình.

Bệnh EHP trên tôm thẻ xuất hiện lúc nào và đến từ đâu?

Để trả lời cho câu hỏi EHP thường xuất hiện vào lúc nào, ông Phục dẫn giải: “Về tự nhiên, tôi nghiên cứu suốt nhiều năm qua ở vùng nuôi Sóc Trăng cũng như một số tỉnh ở ĐBSCL thấy rằng, dịch bệnh EHP thường xuất hiện nhiều vào cuối vụ 1, tức khoảng cuối tháng 4 và kéo dài đến tháng 8. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh tập trung thả giống vào tháng 12 sau khi hết mưa và có những đợt nắng dài ngày. Thực tế cũng đã chứng minh, trong nhiều năm qua đối với vụ thả nuôi vào tháng 12 trang trại của tôi chưa bao giờ bị thất bại. Tỷ lệ thành công ở vụ này thấp nhất cũng khoảng 80%, còn cao nhất như ở năm 2023 này tỷ lệ thành công lên đến 98%. Như vậy đến đây coi như chúng tôi xác định được sơ bộ EHP có từ lúc nào”.

Vậy EHP đến từ đâu, theo ông Phục chủ yếu EHP đến từ con giống. “Vì vậy, chúng tôi chỉ chọn mua con giống từ những công ty mà qua khảo sát, tìm hiểu là có đủ năng lực, điều kiện ngăn ngừa dịch bệnh này. Còn việc làm sao để nguồn giống cung ứng ra bên ngoài không có EHP là thuộc vai trò cơ quan Nhà nước và uy tín của cơ sở sản xuất giống” – ông Phục chia sẻ. Do đó, ông Phục cũng như nhiều hộ nuôi khác đều mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này. Bởi nếu như con giống đã nhiễm EHP thì dù có áp dụng biện pháp nào cũng vô ích, do sau thả 15 – 30 ngày kiểm lại PCR mới phát hiện.

Cụ thể thêm nhận định trên, hộ nuôi ông Hoàng Thanh Vũ: “Nếu thả giống sau 20 ngày mà không có EHP coi như “lụm tiền”, còn nếu có EHP thì khả năng rất cao là mầm bệnh đã có từ trại giống; vì quá trình xử lý nước tại trại nuôi đã cơ bản diệt được EHP, nên cho dù có nhiễm từ nguồn nước thì phải mất thời gian dài hơn tôm mới có biểu hiện nhiễm EHP”.

Bên cạnh nguồn lây nhiễm chính là con giống, theo ông Phục còn có nguồn lây khác từ nguồn EHP lưu tồn trong hệ thống ao từ vụ nuôi trước do công tác vệ sinh không tốt. Vì vậy, người nuôi cần phải vệ sinh ao nuôi hết sức cẩn thận, đúng quy trình. Đặc biệt là vấn đề nguồn nước và có thể nói đây là vấn đề then chốt của EHP, nhất là đối với vụ nghịch. Ông Phục thẳng thắn: “Có thể nói trong vài năm qua, vụ nghịch chúng tôi chưa từng thành công nhưng tôi luôn có niềm tin mãnh liệt là chúng ta có thể giải quyết được điều này, bởi vì đây không phải là vấn đề lớn. Và thực tế sau 2 năm tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm, cuối cùng chúng tôi cũng đã thành công ngoài mong đợi ở vụ nghịch năm nay”.

Giải pháp phòng bệnh EHP trên tôm thẻ hiệu quả

Theo chia sẻ của ông Phục, đây là giải pháp tổng hợp mà ở đó vấn đề then chốt là công thức để xử lý triệt để EHP trong 40 ngày đầu. Chi phí xử lý cũng khá cao và đòi hỏi phải có giải pháp phòng ngừa nấm kèm theo, như: xử lý nước triệt để 40 ngày, dự trữ nước ngay từ tháng 3 (tức trước giai đoạn EHP thường xuất hiện nhiều trong năm vì từ tháng 5, nguồn nước bên ngoài đã có sự ô nhiễm, mật số EHP đã cao). Nguồn nước thứ ba là nguồn nước mưa. Với 3 nguồn nước trên, trong giai đoạn đầu thả nuôi do sử dụng nguồn nước đã xử lý triệt để EHP nên có thể thả 250 con/m2. Sau đó 50 ngày nên san ra nếu không dưỡng chất trong nước không đủ cung cấp cho tôm nuôi và lúc này do tôm cũng đã lớn nên với mật độ cao rất dễ nảy sinh những vấn đề bất lợi khác, do thiếu hụt các chất dinh dưỡng từ tự nhiên để giúp tôm phát triển bình thường.

Với giải pháp trên, nhiều hộ nuôi tôm đã rất thành công trong vụ nuôi năm nay khi nuôi được tôm về đến size 19 con/kg, còn phổ biến là dưới 30 con/kg và chỉ có một vài ao bị nhiễm EHP được xác định là từ con giống. “Đây là một tín hiệu rất mừng đối với chúng tôi vì trong nhiều năm qua dù rất cố gắng chúng tôi cũng không tìm ra giải pháp nào hiệu quả. Việc nuôi được trong mùa nghịch rất có ý nghĩa thực tiễn, một là có tôm để phục vụ nhà máy, hai là có tôm để phục vụ khách hàng, thứ ba là giải quyết được rất nhiều việc làm cho lao động ở vùng sâu, vùng xa cũng như đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước dịp cuối năm” – ông Phục phấn khởi chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *