4 bước chuẩn bị ao nuôi tôm – Quy trình chuẩn bị ao nuôi tôm

huong dan cai tao ao nuoi tom

Thực hiện tốt quá trình chuẩn bị ao nuôi là một trong những điều kiện quan trọng khởi đầu cho vụ nuôi thành công.

Chuẩn bị điều kiện ao nuôi tôm

Có nguồn nước bảo đảm cung cấp đủ nước cho quá trình nuôi tôm.

Có nguồn điện lưới ổn định hoặc máy phát có công suất phù hợp và giao thông thuận tiện.

Không bị ảnh hưởng bởi chất thải sinh hoạt và chất thải từ hoạt động của các ngành kinh tế khác.

Ao nuôi: Bờ ao chắc chắn bảo đảm không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn. Độ sâu mực nước của ao nuôi tối thiểu 1,1 m (đối với tôm thẻ chân trắng). Hệ thống (cống hoặc ống dẫn) cấp và thoát nước riêng biệt. Không có cống thông giữa các ao nuôi.

Ao chứa, ao lắng: Có diện tích tối thiểu 15% tổng diện tích ao nuôi. Bờ ao chắc chắn bảo đảm không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn.

Ao xử lý nước thải: Có khu xử lý nước thải chung của vùng nuôi hoặc có ao xử lý nước thải riêng của cơ sở nuôi. Đặt cách ao nuôi, ao chứa/lắng và ao nuôi của hộ nuôi liền kề ít nhất 10 m. Có diện tích tối thiểu 10% tổng diện tích ao nuôi. Bờ ao chắc chắn bảo đảm không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn.

Khu chứa nguyên vật liệu: Có mái che, khô ráo, thông thoáng. Được ngăn riêng biệt cho từng loại nguyên vật liệu. Thức ăn, ngư cụ, thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường sử dụng trong quá trình nuôi được đặt trên kệ. Kệ đặt cách tường nhà ít nhất 0,3m và cách nền nhà ít nhất 0,3m. Có biện pháp ngăn chặn côn trùng và động vật gây hại. Khu chứa xăng dầu phải cách biệt ao nuôi, ao chứa/lắng và hệ thống cấp nước; bảo đảm không rò rỉ ra khu vực xung quanh.

Dụng cụ, thiết bị: Trong quá trình nuôi, dụng cụ, thiết bị (trừ các thiết bị đo chỉ tiêu môi trường) không được dùng chung giữa các ao nuôi. Dụng cụ, thiết bị sau mỗi đợt sử dụng phải được vệ sinh sạch sẽ và phơi khô. Động cơ và thiết bị sử dụng trong cơ sở nuôi bảo đảm không bị rò rỉ xăng, dầu ra khu vực xung quanh.

Các bước cải tạo ao nuôi tôm

Ao mới: Đối với ao mới xây dựng xong, cho nước vào ngâm 2 – 3 ngày rồi lại xả hết nước để tháo rửa. Tháo rửa như vậy 2 đến 3 lần sau đấy dùng vôi bột để khử chua cả bờ và đáy ao. Lượng vôi tùy theo pH của đất đáy ao: pH6-7, dùng 300-400 kg/ha; pH 4,5 – 6, dùng 500 – 1.000 kg/ha. Rắc vôi xong, phơi ao 7 – 10 ngày, lấy nước qua lưới lọc sinh vật có mắt lưới cỡ 9 – 10 lỗ/cm2. Gây màu nước để chuẩn bị thả giống.

Ao cũ: Đối với ao nuôi đất không lót bạt đã qua sử dụng, cần tháo cạn nước, tu sửa bờ ao, vét bùn và cày xới đáy ao.Với ao không tháo cạn được nước thì dùng máy cào chất thải về một góc ao rồi tiến hành bơm hút chất thải ra ngoài. Sau đó bón vôi với liều lượng từ 40 – 100 kg/1.000 m2 tùy vào pH của đất. pH càng thấp thì bón vôi càng nhiều. Vôi được sử dụng là vôi bột CaO (vôi nung).

Đối với ao nuôi lót bạt, cần vệ sinh sạch sẽ, thời tiết tốt thì nên phơi nắng từ 2-3 ngày. Phun khử khuẩn bằng Chlorine nồng độ 10 ppm từ đáy, bờ và xung quanh ao. Lưu ý cần thực hiện công việc này vào buổi tối muộn để tránh hiện tượng hóa chất bốc hơi mạnh làm giảm hiệu quả khử khuẩn và gây độc cho con người.

Tiến hành rào lưới quanh ao nuôi để hạn chế các ký chủ trung gian bên ngoài xâm nhập vào gây bệnh cho tôm.

Lấy nước vào ao nuôi tôm

Lấy nước vào ao qua túi lọc có kích thước từ 30 – 50 μm. Tốt nhất nên lấy nước từ ao lắng qua ao nuôi, sau đó tiến hành xử lý diệt tạp, gây màu nước, ổn định môi trường để tiến hành thả giống.

Tiếp đến, chạy quạt nước liên tục 3 ngày để trứng cá và giáp xác nở hết rồi tiến hành diệt tạp bằng bột bã trà (saponin), hoặc các loại hóa chất chuyên dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời điểm saponin cho hiệu quả cao nhất là từ 4 – 6 giờ sáng. Nên tăng liều sử dụng khi độ mặn của nước ao thấp hơn 10‰. Để xử lý ốc đinh hoặc rong đáy có thể dùng sunphat đồng(CuSO4) với nồng độ xử lý là 2-3 ppm (2 – 3 kg/1.000 m3).

Lưu ý:  Không lấy nước vào ao khi nước ngoài kênh/mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa, nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh, nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.

Hai ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ mầm bệnh có trong nước ao bằng một trong những hóa chất như Chlorine, TCCA, BKC, Formol, Iodine hay PVP – Iodine. Tuy nhiên, Chlorine vẫn được dùng phổ biến nhất với liều xử lý là 25-30 ppm (25 – 30 kg/1.000 m3). pH càng cao, hàm lượng chất hữu cơ càng nhiều thì cần phải tăng liều xử lý của Chlorine.

Cho chạy quạt và sục khí liên tục trong vòng 3 – 5 ngày để phân hủy dư lượng hóa chất diệt khuẩn trong ao. Sau đó tiến hành kiểm tra dư lượng hóa chất bằng thuốc thử.

Gây màu nước cho ao nuôi tôm

Có nhiều phương pháp gây màu nước khác nhau, người nuôi có thể tham khảo phương pháp sau:

Sử dụng TA pondpro +1 lít mật rỉ đường +2 kg cám gạo+10 g muối+46 lít nước sạch (ủ kín 5-7 ngày) cho ra 50 lít vi sinh thứ cấp. 10 lít vi sinh thứ cấp sử dụng đủ cho 1.000 m3,cứ 2 ngày thực hiện 1 lần, chạy quạt liên tục đến khi màu nước ao lên xanh nõn chuối hoặc bã trà, đạt độ trong 30 – 40 cm thì tiến hành thả tôm giống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *