Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi tôm

Nước ao tôm bị nhớt - Hướng dẫn xử lý nước ao tôm bị nhớt

Chất lượng nước là nhân tố tối quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của tôm nuôi, đặc biệt là trong các mô hình nuôi thâm canh. Vì vậy, người nuôi tôm cần phải hiểu và thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng nước để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo môi trường sinh trưởng tối ưu nhất cho tôm chân trắng. 

Trong nuôi tôm, chất lượng nước là một yếu tố mang tính quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi vì chất lượng nước có tốt thì con tôm mới có thể phát triển khỏe mạnh, giảm nguy cơ bệnh, giảm tỷ lệ chết và cho năng suất cao. Thế nhưng, chất lượng nước lại là một yếu tố khó dự đoán và khó kiểm soát vì nó là một mối tổng hòa của nhiều chỉ tiêu môi trường khác nhau có tác động qua lại và thường xuyên thay đổi. Chính vì vậy, việc hiểu rõ và kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là đối với các chỉ tiêu môi trường dưới đây, là điều cần thiết để có thể đánh giá thực tế và kịp thời điều chỉnh phù hợp cho môi trường ao nuôi.

1. Hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong ao nuôi tôm

Oxy là khí hòa tan quan trọng nhất trong nước vì nó có vai trò thiết yếu cho quá trình hô hấp và phân hủy. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước phụ thuộc vào 2 nguồn chính là: oxy trong khí quyển và oxy tạo ra từ quá trình quang hợp của thực vật phù du trong nước.

Việc lắp đặt hệ thống quạt nước, đồng thời thiết kế ao hợp lý để tận dụng hướng gió, sẽ thúc đẩy quá trình khuếch tán và hòa tan oxy từ khí quyển, giúp tăng hàm lượng oxy hòa tan. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm nên với ao nuôi tôm, nguồn cung oxy chính vẫn là từ quá trình quang hợp của thực vật phù du. Điều này dẫn đến sự biến động hàm lượng oxy hòa tan trong ao theo:

  • Chu kỳ ngày đêm (vì sự quang hợp không diễn ra vào ban đêm);
  • Số lượng quần thể sinh vật phù du;
  • Thời tiết (trời mưa, trời quang, trời nhiều mây);
  • Độ sâu của nước (tầng mặt, tầng đáy);
  • Độ trong của nước; cũng như
  • Lượng vật chất hữu cơ tích tụ trong quá trình nuôi (thức ăn dư thừa, phân tôm, xác sinh vật phù du, tảo).

Bà con cần quản lý tốt các yếu tố nên trên và kiểm tra hằng ngày, đặc biệt là vào ban đêm khi quá trình quang hợp không thể diễn ra, để đảm bảo hàm lượng DO tối thiểu ≥ 3,5 và tối ưu ở mức 5mg/l.

2. pH trong ao nuôi tôm

pH hay nồng độ các ion hydro (H+) là thước đo độ axit hoặc độ kiềm của nước. Giá trị pH nằm trong khoảng từ 0 đến 14, với 7 là môi trường nước trung tính, 0 là độ axit cao nhất và 14 là độ kiềm cao nhất. Với tôm chân trắng, mức pH của nước ao nuôi thông thường trong khoảng 7 – 9 và tối ưu nhất là 7,5  – 8,5, và giao động trong ngày không được quá 0,5.

Độ pH phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như thổ nhưỡng đất, lượng vôi bón, chế độ thay nước… nhưng chủ yếu là phụ thuộc vào quần thể thực vật phù du. Vì khi thực vật phù du quang hợp, chúng sẽ sử dụng CO2 có trong nước và làm giảm độ pH. Vì vậy, độ pH trong ao sẽ:

  • Thấp nhất vào lúc mặt trời mọc;
  • Tăng dần tỷ lệ thuận với cường độ ánh sáng;
  • Đạt giá trị cao nhất vào cuối buổi chiều;
  • Giảm dần vào lúc hoàng hôn và đạt mức thấp nhất khi mặt trời mọc.

Bà con cần đo pH lúc mặt trời mọc và lúc hoàng hôn để biết độ dao động pH trong ngày. Với nước ao có độ pH (đo lúc mặt trời mọc) dưới 6,5, bà con có thể bón thêm vôi và phân kiềm, và với pH trên 8,5 thì dùng phân bón axit. Chi tiết hơn, bà con có thể xem thêm thông tin trong bài Quản lý pH trong ao nuôi.

Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi tôm
Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi tôm

3. Độ kiềm trong ao nuôi tôm

Độ kiềm là khả năng trung hòa axit của nước, biểu thị bằng hàm lượng mg/l của CaCO3. Độ kiềm có liên hệ mật thiết tới sự biến động pH và sự ổn định màu nước (vi tảo), đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc tạo vỏ, lột xác của con tôm.

Bà con nên kiểm soát độ kiềm bằng cách bón vôi với tỷ lệ thích hợp khi xử lý đất và chuẩn bị ao nuôi. Với những ao nuôi đã cấp nước và thả giống, có thể sử dụng Khoáng tạt N79 để thay vôi, giúp tăng độ kiềm, ổn định pH và màu nước.

4. Độ mặn trong ao nuôi tôm

Độ mặn là nồng độ của tất cả các muối khoáng có trong nước, ảnh hưởng nhiều đến sự tồn tại, phát triển và duy trì các chức năng sinh lý của con tôm. Tùy vào từng thời điểm trong chu trình phát triển mà tôm yêu cầu độ mặn khác nhau.

Với tôm thẻ chân trắng, nước ao nên được duy trì độ mặn tối thiểu ở mức 5 – 35% và tối ưu ở mức 15 – 20%. Nên kiểm tra thường xuyên, tránh độ mặn giảm thấp khiến tôm thiếu khoáng hoặc độ mặn tăng cao khiến tôm giảm ăn, ngừng ăn.

5. Độ trong của ao nuôi tôm

Độ trong nước ao thường không ảnh hưởng trực tiếp và tức thời đến tôm, mà sẽ tác động đến hệ sinh thái ao nuôi, âm thầm gây hại cho sự sinh trưởng của con tôm. Ao quá trong là biểu hiện nước thiếu dinh dưỡng do quần thể sinh vật phù du thưa hoặc không phát triển. Ao quá đục, độ trong thấp, thì cản trở sự quang hợp, giảm lượng oxy và nguồn thức ăn tự nhiên của tôm.

Ao nuôi tôm thẻ chân trắng nên có độ trong ở mức 20 – 50 cm. Nếu độ trong lớn hơn 50 cm, cần phải bón thêm phân, gây tảo, tạo màu nước. Nếu độ trong dưới 20 cm, bà con có thể tham khảo bài Ao nuôi bị đục nước: Nguyên nhân và hướng xử lý để biết thêm chi tiết.

6. Các khí độc (H2S, NH3, N03-, N02-,)

Đây là các dạng khí độc thường hình thành thông qua việc phân hủy các chất hữu cơ như thức ăn thừa, mùn bã hữu cơ, chất thải của tôm. Tôm sẽ giảm sinh trưởng, còi cọc chậm lớn nếu sống lâu ngày trong môi trường nước có chứa các khí độc này. Và ở nồng độ cao, có thể khiến tôm chết hàng loạt.

Cần hạn chế hoặc duy trì ở mức tối thiểu sự hiện diện của các khí độc này trong ao nuôi chủ yếu bằng cách quản lý tốt nguồn nước, chế độ ăn và dùng vi sinh xử lý nước định kỳ, cũng như kết hợp kiểm soát tốt các yếu tố khác như độ pH, độ kiềm, nhiệt độ…

7. Nhiệt độ trong ao nuôi tôm

Tôm là loài động vật máu lạnh nên nhiệt độ cơ thể sẽ điều chỉnh theo nhiệt độ môi trường. Vì thế, cần duy trì nhiệt độ nước ở mức tối ưu (tùy vào từng thời điểm sinh trưởng) để tăng mức độ hoạt động và sự trao đổi chất, giúp tăng tốc độ tăng trưởng của tôm. Cần tránh nhiệt độ nước quá cao (vượt ngưỡng chịu đựng về thể chất và dinh dưỡng của tôm) hay quá thấp (làm giảm hoạt động và quá trình trao đổi chất của tôm), cũng như giao động quá lớn, quá nhanh (khiến tôm bị sốc).

Ngoài ra, nhiệt độ cũng là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến các quy trình chuyển hóa diễn ra trong môi trường nước. Bà con cần kiểm soát tốt nhiệt độ nước ở mức 18-33 độ C (tùy vào từng điều kiện cụ thể) để đảm bảo môi trường sinh trưởng tối ưu nhất cho tôm.

STT Thông số Đơn vị Giá trị cho phép
1 Oxy hòa tan (DO) mg/l ≥ 3,5
2 pH 7÷9 (giao động trong ngày không quá 0,5)
3 Độ mặn 5÷35
4 Độ kiềm mg/l 60÷180
5 Độ trong cm 20÷50
6 NH3 mg/l < 0,3
7 H2S mg/l < 0,05
8 Nhiệt độ °C 18÷33

Bảng 1. Các thông số chất lượng nước cấp vào ao nuôi và nước ao nuôi

Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi tôm
Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi tôm

Nuôi tôm là nuôi nước, đó là kinh nghiệm sống còn mà người nuôi tôm nào cũng thuộc nằm lòng. Để có chất lượng nước tốt, bà con cần làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị (trước khi cấp vào ao), đồng thời tạo thói quen kiểm tra và ghi chép lại thường xuyên các thông số nêu trên trong quá trình nuôi để nắm được thực tế chất lượng nước và chủ động điều chỉnh trước khi xảy ra vấn đề. Ngoài ra, cũng cần phải làm tốt khâu xử lý nước thải (trước khi thải ra ngoài môi trường) để tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường chung cũng như chất lượng ao nuôi của mình trong những vụ nuôi sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *