Cách phòng ngừa tôm bệnh trong thời tiết bất lợi

Cách phòng ngừa tôm bệnh trong thời tiết bất lợi

Hiện nay, thời tiết vào mùa nắng nóng xen kẽ những cơn mưa, rất dễ làm môi trường ao nuôi biến động mạnh, ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm nuôi. Do đó, mầm bệnh có cơ hội để phát triển, làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng tôm nuôi.Vì vậy, để góp phần hạn chế rủi ro do dịch bệnh, phát triển nuôi tôm ổn định, đảm bảo sản lượng tôm nuôi, người nuôi cần lưu ý một số vấn đề cụ thể như sau:

– Người nuôi phải tuân thủ theo đúng Lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành. Thường xuyên theo dõi thông tin quan trắc môi trường để lấy nước vào ao chứa lắng. Nên dự trữ đủ các loại vôi, khoáng chất, các chất xử lý môi trường, nhiên liệu,… để xử lý kịp thời các tình huống bất thường xảy ra.

– Thiết kế ao lắng có độ sâu khoảng 2 – 3 m, vừa xử lý nước cấp và diệt tạp trước khi đưa vào ao nuôi vừa là nguồn nước dự trữ để bù đắp vào ao tôm khi mực nước trong ao bị cạn do nước bị bốc hơi khi trời nắng nóng. Duy trì mức nước ao nuôi trên 1,2 m, dùng lưới lan để che trên bề mặt ao nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh sốc nhiệt cho tôm.

– Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi, đảm bảo các chỉ tiêu nằm trong ngưỡng thích hợp; đặc biệt chú ý các yếu tố pH, độ kiềm, Oxy, khí độc NO2, NH3,… rất dễ bùng phát gây hại cho tôm sau những cơn mưa lớn hoặc thời tiết nắng nóng, đề phòng các bệnh đường ruột, gan tụy trên tôm.

– Quan sát hoạt động của tôm, tình hình sức khỏe tôm nuôi (màu sắc, các phụ bộ, đường ruột, khả năng bắt mồi, tốc độ tăng trưởng,…) để có hướng xử lý kịp thời khi thời tiết thay đổi bất thường.

Độ cứng trong ao nuôi tôm
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi

– Trước khi mưa, người nuôi chủ động bón vôi xung quanh bờ ao: vôi CaCO3 với liều lượng 10kg/100 m2, tránh giảm pH, độ kiềm đột ngột và hạn chế nước ao bị đục sau mưa. Sau khi mưa tháo bỏ phần nước mưa trên mặt (đối với những cơn mưa lớn), tránh gây sốc độ mặn, pH, nhiệt độ; sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite khoảng 10 – 15kg/1.000 m3 để tăng pH và độ kiềm cho phù hợp. Tăng cường chạy quạt vào ban đêm để tránh hiện tượng phân tầng nước.

– Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn, tránh tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Vào những ngày nắng nóng, lúc trời mưa liên tục hoặc quan sát thấy tôm lột xác,…cần giảm 20 – 30% lượng thức ăn tránh dư thừa gây ô nhiễm ao nuôi.

– Định kỳ 10 – 15 ngày/đợt, mỗi đợt kéo dài từ 5 – 7 ngày, bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho tôm để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa cho tôm, phòng các bệnh về gan và đường ruột.

– Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi, khi tôm nuôi có dấu hiệu bị bệnh, người nuôi cần báo ngay cơ quan chức năng địa phương để kiểm tra, lấy mẫu, xét nghiệm bệnh. Trong thời gian chờ kết quả, không xả thải nước ra môi trường để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Trên đây là một số lưu ý nuôi tôm trong điều kiện thời tiết bất lợi, các hộ nuôi tôm cần nắm rõ và áp dụng để vụ nuôi đạt kết quả tốt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *