5 yếu tố làm cho tôm lột xác cưỡng bức

yeu to kich thich tôm lột xác

Tôm lột xác là một quá trình quan trọng trong sinh trưởng của tôm, tuy nhiên ở giai đoạn này tôm rất nhạy cảm. Vì vậy, việc đảm bảo một môi trường với các chỉ số ổn định là điều mà bà con luôn mong muốn. Đồng thời sử dụng các biện pháp kích thích tôm lột xác cũng được sử dụng phổ biến hiện nay.

Lột xác cưỡng bức là gì?

Tôm là một loại động vật giáp xác, cơ thể tôm được bao bọc bởi một lớp vỏ kitin cứng bên ngoài. Trong quá trình phát triển, tôm cần phải thay lớp vỏ kitin để tăng trọng lượng và kích thước của cơ thể. Trong suốt quá trình lột vỏ, tôm hấp thu rất nhiều nước dẫn đến tăng trọng lượng. Khi tôm còn nhỏ quá trình lột xác sẽ diễn ra nhiều lần. Mỗi lần cách nhau một thời gian ngắn, khi tôm lớn dần thời gian lột xác giữa các lần sẽ lâu hơn.

Lột xác là quá trình tôm tích lũy dinh dưỡng như: đạm, khoáng chất, vitamin,..Sau đó, chúng tái sử dụng lại các khoáng chất trong lớp vỏ cũ để hình thành lớp vỏ sơ cấp mới dưới biểu bì. Lớp vỏ mới được hình thành, hấp thu khoáng chất trong môi trường, cứng cáp trở lại. Tôm gia tăng đột ngột về kích thước.

Chu kỳ lột xác của tôm được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình sống của chúng. Đó còn là quá trình “chọn lọc tự nhiên”. Những con tôm không có khả năng vượt qua được giai đoạn quan trọng này để bước sang một chu kỳ sống mới sẽ bị loại bỏ. Tôm thường lột xác vào ban đêm khoảng từ 22 giờ – 2 giờ đêm.

Tuy nhiên, nếu có những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tôm hoặc sử dụng hóa chất kích thích cũng sẽ khiến tôm lột xác không theo chu kỳ. Hiện tượng đó gọi là lột xác cưỡng bức.

5 yếu tố làm cho tôm có khả năng lột xác cưỡng bức?

Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự lột xác của tôm bao gồm pH, kiềm, độ mặn, oxy, tảo, khí độc, đặc biệt là H2S, cụ thể như sau:

1. pH

pH là yếu tố rất quan trọng, mức thích hợp rơi vào khoảng 7.5 – 8.3. Một trận mưa rào cũng sẽ ảnh hưởng đến tôm lột, vì nước mưa có pH thấp làm tôm lột vỏ, đồng thời mưa còn gây ra tình trạng thiếu oxy, khí độc tăng, nước mạnh và thiếu khoáng. Bà con phải tạt vôi để nâng pH, tôm lột vỏ trong điều kiện bất lợi như trên sẽ rất dễ rớt.

2. Độ kiềm

Độ kiềm ảnh hưởng bởi lượng khoáng trong nước. Trong thời gian lột vỏ, tôm cần rất nhiều khoáng nên cần duy trì độ kiềm từ 120 mg CaCO3/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite và bổ sung khoáng 3 – 5 ngày/lần vào ban đêm giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

3. Độ mặn

Độ mặn cũng là yếu tố cần lưu ý, nước có độ mặn cao thì hàm lượng khoáng sẽ cao hơn, nước càng ngọt thì khoáng càng ít. Do đó, bà con căn cứ vào độ mặn để cân đo đong đếm lượng khoáng cung cấp sao cho phù hợp, không lãng phí cũng không thiếu hụt.

4. Oxy hòa tan

Trong điều kiện bình thường, oxy hòa tan phải đạt >=4mg/l. Trong thời gian tôm lột thì cần lượng oxy nhiều hơn như thế, duy trì ở mức 5 – 6 mg/l là điều tối quan trọng. Khi tôm có dấu hiệu lột xác là bà con phải cho quạt chạy công xuất lớn nhất, đồng thời bổ sung oxygen nếu cần thiết.

5. Tảo

Một đợt tảo tàn có thể xảy ra khi một loại khoáng mà phiêu sinh vật cần vào ban ngày bị tôm sử dụng hết cho quá trình lột xác vào ban đêm. Trong ngày đầu tiên sau lột xác, bà con sẽ thấy có sự thay đổi nhẹ về pH, ngày thứ 2 màu nước sẽ nhạt hơn, và ngày thứ 3 pH tiếp tục giảm, màu nước đậm hơn, có nhiều bong bóng trên mặt nước và pH tiếp tục giảm vào các ngày sau đó. Bà con phải kiểm tra pH, kiềm, khoáng để kịp thời điều chỉnh, tránh hiện tượng tảo tàn xảy ra.

Tảo tàn ảnh hưởng đến lột xác của tôm
Tảo tàn ảnh hưởng đến lột xác của tôm

Sự can thiệp của người nuôi tới chu kỳ lột xác của tôm

Ngoài chu kỳ lột xác tự nhiên của tôm, người nuôi có thể sử dụng một số biện pháp để có thể kích thích tôm lột xác nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng một cách hiệu quả.

Bổ sung dinh dưỡng và các loại khoáng chất cần thiết cho tôm là điều đơn giản mà bà con có thể hỗ trợ tôm trong quá trình phát triển. Khoáng chất là thành phần không thể thiếu để hình thành bộ vỏ (bộ xương bên ngoài) cho tôm, giúp tôm cân bằng áp suất thẩm thấu, tham gia vào thành phần cấu trúc các mô của tôm, hỗ trợ truyền các xung động thần kinh.

Nhu cầu chất khoáng trong khẩu phần ăn của tôm: Đối với môi trường nước có độ mặn cao thì nhu cầu về Ca2+, K+ và Mg2+ cần thiết cho quá trình lột xác của tôm cần được đáp ứng và bổ sung. Với môi trường có độ mặn thấp thì thường thiếu hụt K+ trong khẩu phần ăn.

Nhu cầu chất khoáng trong nước của tôm: Trong nước nuôi, bà con cần chú ý tỷ lệ Na:K phải đạt 28:1 và Mg:Ca là 1:1 và nhu cầu khoáng chất cũng khác nhau tùy theo mật độ nuôi.

Bên cạnh đó, nên kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm thường xuyên, điều chỉnh lượng thức ăn ở giai đoạn tôm lột xác có thể giúp tôm khỏe mạnh và tăn trưởng tối ưu hơn. Lưu ý chỉ kích thích tôm lột vào những ngày nắng nhẹ tối trời, không áp dụng vào lúc trời âm u, chuyển mưa lớn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *