Thách thức và cơ hội trong nuôi tôm

Nuôi tôm - thách thức và cơ hội

Ngược về quá khứ, nghề nuôi tôm có lẽ chính thức bắt đầu khi nhà khoa học Nhật Bản, Motosaku Fujinaga, lần đầu tiên nhân giống và ấp nở nhân tạo tôm thẻ bông trong bể vào năm 1933. Fujinaga được xem như cha đẻ ngành nuôi tôm nhờ những kỹ thuật ông đã khám phá ra, bao gồm việc dùng trứng Atermia (tôm ngâm nước mặn) làm thức ăn. Kể từ đó, con tôm bắt đầu được nuôi nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại Nhật, Mỹ và nhiều nước Tây Âu khác, đặc biệt từ những năm 1970.

Vào năm 2003, nuôi tôm đã là một ngành công nghiệp trị giá 9 tỷ USD với sản lượng hơn 1,6 triệu tấn. Đến năm 2017, tổng diện tích ao nuôi là 2.124.110 ha, và ngành công nghiệp nuôi tôm đã đạt sản lượng 4,2 triệu tấn và có trị giá toàn ngành đạt 23,6 tỷ USD (theo báo cáo của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu). Trong đó, các quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, …) đóng góp sản lượng nhiều nhất (36.9%) và theo sau lần lượt là Trung Quốc (31,6%) và Ấn Độ (11,6%). Trong đó, tôm thẻ chân trắng là giống được nuôi phổ biến nhất, với 80% tổng sản lượng toàn cầu là từ nuôi trồng và trị giá 18.460 triệu USD vào năm 2014.

Giá trị con tôm đã tăng dần trong danh sách các loài thủy sản được nuôi trồng, vượt con cá rô phi và hiện chỉ đứng sau con cá chép. Tuy nhiên, song song với sự phát triển vượt bật này cũng nảy sinh các vấn đề, đặc biệt là sự lây lan dịch bệnh. Chỉ riêng tại Châu Á, virus gây bệnh trên tôm đã tiêu tốn của người nông dân gần 1 tỷ USD mỗi năm kể từ 1994. Điều này tạo ra những thách thức cần được giải quyết để nâng cao hiệu quả của ngành.

Nguy cơ lây nhiễm

Trong tự nhiên, tôm cũng mang các vi-rút gây bệnh nhưng thường không ảnh hưởng mấy đến sức khỏe của chúng. Nhưng khi được nuôi thả trong môi trường đông đúc, chúng có thể bị căng thẳng và dễ nhiễm bệnh từ các vi-rút tiềm ẩn. Hoặc khi nguồn nước không được xử lý tốt, cũng dễ dàng tạo cơ hội cho vi-rút từ bên ngoài xâm nhập vào và gây bệnh cho cả ao tôm. Khi tôm bị bệnh chết, chúng sẽ bị những con khỏe mạnh ăn thịt, khiến dịch bệnh nhanh chóng lan ra cả quần thể ao. Đây là vấn đề liên tục làm đau đầu ngành nuôi tôm trong suốt nhiều thập niên. Trong đó, bệnh tôm chết sớm hay còn gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND) và bệnh nhiễm vi bào tử trùng (Hepatopancreatic Microsporidiosis) là 2 căn bệnh thường xuyên xuất hiện nhất.

Tuy nhiên, bất chấp mối đe dọa liên tục của các dịch bệnh bùng phát theo thời gian, các số liệu thống kê cho thấy ngành nuôi tôm toàn cầu có thể đối phó với vấn đề này ngay cả khi tăng sản lượng gấp ba hoặc bốn lần hơn. Chúng ta đã làm được và có thể làm tốt hơn nếu có thể phối hợp toàn ngành để nhìn nhận và tìm cách xử lý vấn đề dịch bệnh này.

Nguồn thức ăn

Một vấn đề lớn khác là sự hạn chế trong nguồn cung thức ăn thủy sản có chất lượng. Trong ba thập kỷ qua, cùng với sự nở rộ các trang trại, nhu cầu thức ăn dùng trong chăn nuôi thủy sản cũng đã tăng khá mạnh. Dẫu vậy, chỉ khoảng 4% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi trên toàn thế giới được sản xuất cho chăn nuôi thủy sản. Đây sẽ là một vấn đề quan trọng nếu ngành nuôi tôm muốn mở rộng quy mô sản xuất vì cần thương thảo và phối hợp với những ngành khác, đặc biệt là các ngành nuôi trồng trên cạn. Cần phải tăng cường sản xuất các loại cây trồng như đậu nành, các sản phẩm phụ từ động vật, cũng như nghiên cứu thêm về các hình thức sản xuất vi khuẩn mới và côn trùng nếu muốn tăng sản lượng thức ăn thủy sản phục vụ hoạt động nuôi tôm.

An toàn sinh học

Một vấn đề đáng báo động khác là việc lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong nuôi tôm. Vì khi nuôi theo hình thức thâm canh, người nuôi tôm thường có thói quen sử dụng kháng sinh và các chế phẩm hóa học để phòng và trị bệnh cho tôm. Tuy nhiên việc này lại ảnh hưởng xấu đến chất lượng con tôm nói riêng, và môi trường nói chung, vì tồn đọng quá nhiều kháng sinh và hóa chất sau khi thu hoạch. Để khắc phục vấn đề này, công nghệ vi sinh với các chế phẩm từ vi khuẩn có lợi là một chọn lựa hữu hiệu để vừa duy trì sản lượng vừa đảm bảo chất lượng cho con tôm thương phẩm. Việc áp dụng những chế phẩm vi sinh đã được chứng minh mang lại một số lợi ích toàn diện, to lớn như: có tác dụng tăng khả năng hấp thụ, phát triển, chống dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống; nâng cao năng suất, chất lượng, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư cho người nông dân.

Áp dụng công nghệ vi sinh để tôm nuôi khỏe và sạch hơn
Áp dụng công nghệ vi sinh để tôm nuôi khỏe và sạch hơn

Ngoài ra, các hình thức canh tác bền vững như nuôi tôm sinh thái, kết hợp tôm-rừng, tôm-lúa cũng là một hướng phát triển cần được được quan tâm nghiên cứu và đầu tư nhiều hơn để nâng cao giá trị con tôm và tìm hướng phát triển bền vững.

Tương lai của ngành nuôi tôm

Chúng ta đã làm rất tốt khi tăng sản lượng nuôi tôm trên toàn cầu lên gấp bốn lần so với mức năm 1995. Để tiếp tục sự mở rộng đó, đồng thời đạt hiệu quả cao hơn, chúng ta cần phải phối hợp và ứng dụng hợp lý các công nghệ kỹ thuật hiện đại vào từng phân đoạn. Ở phân đoạn con giống, việc ứng dụng công nghệ di truyền có cải thiện và chọn lọc các giống tôm kháng bệnh tốt hơn và tăng trưởng nhanh hơn. Ở phân đoạn ương, các trại sản xuất tôm giống có thể tăng cường thay thế thức ăn tươi sống và an toàn sinh học để đảm bảo chất lượng đầu vào. Phân đoạn nuôi thương phẩm phải làm giản thời gian nuôi thông qua chọn lọc giống, cải thiện quản lý sản xuất, hiệu quả, an toàn sinh học, quản lý sức khỏe và tỷ lệ sống. Đồng thời cần mở rộng kiến thức về dinh dưỡng của tôm, để chọn đúng thức ăn cũng như các thực phẩm chức năng (theo mùa, chống căng thẳng, điều hòa miễn dịch) và phân phối/quản lý việc cho ăn chính xác và hợp lý. Ngoài ra, còn có thể cải thiện các lĩnh vực khác như phát hiện mầm bệnh tốt hơn, sử dụng hiệu quả các chất kích thích miễn dịch và chế phẩm sinh học, và thậm chí là đóng gói, chế biến thành phẩm.

Quan trọng hơn cả là phải hiểu và đáp ứng được kỳ vọng ngày càng tăng của người tiêu dùng tính lành mạnh, bền vững và trách nhiệm đối với thực phẩm. Ngành công nghiệp tôm có tiềm năng đáng kể để mở rộng sản xuất toàn cầu, và chúng ta có thể hiện thực hóa tiềm năng đó bằng cách tăng cường công nghệ và quy trình sản xuất có trách nhiệm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *