Vụ nuôi tôm thành công hoàn toàn phụ thuộc vào việc tình trạng sức khỏe của tôm, do đó cần duy trì tốt các cơ quan chức năng. Đặc biệt là gan tụy và đường ruột của tôm sẽ là yếu tố chính về tốc độ tăng trưởng trong suốt quá trình nuôi.
Chức năng chính của gan tụy tôm
Gan tụy là cơ quan quan trọng để hấp thụ và dự trữ các chất dinh dưỡng, cũng được coi là cơ quan chính của tôm cho các chức năng khác:
– Tổng hợp và tiết ra các enzyme để tiêu hóa thức ăn.
– Hấp thụ chất dinh dưỡng.
– Vận chuyển các chất dinh dưỡng dự trữ đến cơ, tuyến sinh dục và các mô khác trong giai đoạn sinh trưởng và sinh sản.
– Chuyển hóa lipid và carbohydrate.
– Nơi lưu trữ một năng lượng để cung cấp cho quá trình lột xác, bỏ đói hoặc sinh sản.
– Đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và sinh sản ở tôm.
Nguyên nhân gây tổn thương gan tụy tôm
Cho ăn dư thừa: Khi cho tôm ăn quá nhiều sẽ gây ra gánh nặng và làm tổn thương gan tụy. Do đó, cho ăn hợp lý vừa phải giúp gan tụy hoạt động trơn tru.
Việc sử dụng kháng sinh thường xuyên và sử dụng quá nhiều Vitamin cũng vừa là gánh nặng vừa là áp lực cho gan tụy. Thuốc kháng sinh không chỉ điều trị bệnh mà còn sản sinh ra nội độc tố gây hại cho sức khỏe của gan tụy và ruột.
Lượng vitamin sử dụng phải phù hợp với khả năng tiêu hóa của ruột và theo tỷ lệ thích hợp không được sử dụng bừa bãi.
Các yếu tố như tôm bị căng thẳng, chất lượng nước thay đổi đột ngột hoặc môi trường ao nuôi kém… cũng ảnh hưởng đến gan tụy.
Điều gì xảy ra khi gan tụy tôm tổn thương?
Chức năng tiêu hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp do gan tụy và ruột bị tổn thương. Các cơ quan này lúc đầu sẽ nhỏ lại và gan tụy teo lại. Những cơ quan này chuyển thành màu nhạt, xuất hiện phân trắng và ruột trở nên đỏ.
Gan tụy bị tổn thương không có khả năng phân hủy các độc tố và các hợp chất độc hại. Các chất này không được phân hủy sẽ ảnh hưởng đến ruột và đặc biệt là làm tổn thương nhung mao ruột và làm mất đi một phần của chức năng bảo vệ.
Ngoài ra, gan tụy tôm thương sẽ ảnh hưởng trực tiếp tăng trưởng, sức khỏe của tôm và năng suất vụ nuôi.
Đường ruột của tôm
Ngoài gan tụy thì đường ruột là bộ phận quan trọng không kém trên cơ thể tôm. Tôm có đường ruột khỏe thì mới hấp thu vào tiêu hóa tốt, từ đó góp phần cải thiện sức khỏe và sự tăng trưởng của tôm.
Cấu tạo của đường ruột tôm
Ruột tôm nằm trên lưng, rất dễ quan sát bằng mắt thường. Nhìn bên ngoài thì ruột thẳng, nhưng khi cắt và quan sát dưới kính hiển vi thì ruột tôm cũng có dạng nhung mao giống với ruột các loài khác. Các tế bào biểu mô ruột này sẽ tiếp xúc, tiêu hóa và hấp thu thức ăn.
Các thành phần và chức năng của đường ruột
Ở đây đề cập đến 2 thành phần chính của ruột là các hệ thống enzyme và một số vi khuẩn có lợi kích thích các nhu động ruột và hỗ trợ tiêu hóa.
Các enzyme này được các chủng vi sinh tiết ra với mục đích chủ yếu là chuyển thức ăn thành dạng dễ hấp thu hơn. Những vi khuẩn có lợi này cũng sẽ hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn rồi chuyển hóa thức ăn bên trong nội bào của nó, sau đó tạo ra một số protein ngoại bào góp phần vào việc thúc đẩy tiêu hóa.
Quá trình này của vi khuẩn cũng có thể đào thải và chuyển hóa một số độc tố có sẵn trong thức ăn. Các chủng vi sinh có mặt sẽ bám dính trên thành ruột, cạnh tranh về thức ăn và chỗ bám với các vi sinh vật có hại. Chúng tiết ra một số hoạt chất kháng khuẩn như các acid hữu cơ, bacteriocin có lợi cho đường ruột, chống lại các tác nhân gây hại và các mầm bệnh khác.
Hệ vi sinh này cũng góp phần kiểm soát sự tăng sinh của các tế bào biểu mô ruột và thúc đẩy sự hoạt động của hệ miễn dịch trên tôm.
Các yếu tố ảnh hưởng đường ruột tôm
pH là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự sống của các vi sinh vật có lợi lẫn có hại và hoạt động của các enzyme kích thích tiêu hóa trong đường ruột. Đa số các vi khuẩn có hại đều không sống được ở môi trường pH thấp, do đó một số phương pháp tạo ra môi trường pH thấp ở đường ruột thường được áp dụng để tiêu diệt chúng.
Đường ruột là nơi tiêu hóa thức ăn của tôm, nếu thức ăn bị ẩm mốc hay không có chất lượng tốt sẽ rất ảnh hưởng lớn đến quá trình tôm hấp thu chất dinh dưỡng.
Trong đường ruột, sự tồn tại của vi khuẩn rất lớn, bao gồm cả lợi khuẩn và các vi khuẩn có hại. Và cả 2 nhóm vi khuẩn đối lập này thường cạnh tranh chất dinh dưỡng, chỗ bám trên các nhung mao ruột, vi khuẩn có lợi nếu có mật độ cao hơn sẽ cản trở hoạt động của hại khuẩn.
Do đó, mật độ vi khuẩn có lợi cao hơn thì đường ruột tôm sẽ khỏe mạnh hơn.
Hoạt động của tôm cùng với những chất bổ sung vào đường ruột sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tôm tiêu hóa thức ăn và hấp thu dinh dưỡng. Ngoài ra những chất bổ sung này cũng kích thích hệ miễn dịch của tôm hoạt động tốt hơn.
Phân trắng là hiện tượng thường gặp nhất. Do sự ảnh hưởng của ký sinh trùng làm cho các enzyme tiêu hóa không tiết ra để tiêu hóa thức ăn được nên vibrio được dịp lên men thối thức ăn gây ra phân trắng.
Phân lỏng và phân đứt khúc cũng là hiện tượng bệnh lý thường gặp trong đường ruột tôm. Điều này có thể do sự xuất hiện của tảo độc, chất lượng thức ăn kém hay nặng hơn là chất lượng nước trong ao nuôi bị ô nhiễm.
Để có thể duy trì hai bộ phận này người nuôi cần bổ sung các chất cần thiết cho tôm. Quan sát tôm mỗi ngày để có thể quan sát trước bằng mắt thường, từ đó có thể hiểu rõ tôm đang cần gì ở giai đoạn đó.
Người nuôi cũng có thể sử dụng các chế phẩm sinh học để an toàn với ao nuôi.