Hội chứng đốm trắng được phát hiện từ những năm 1990 và là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất của ngành nuôi tôm vì có khả năng lây lan rộng, tỷ lệ chết cao và thời gian chết nhanh. Bệnh đốm trắng xảy ra ở tất cả các giai đoạn phát triển của tôm, nhưng chủ yếu là ở giai đoạn tôm 20-60 ngày tuổi.
Bệnh đốm trắng do virus hội chứng đốm trắng (WSSV) thuộc nhóm phức hợp Baculovirus gây ra. Khi xâm nhập vào tôm, virus này sẽ cư trú ở nhiều bộ phận khác nhau như mô dạ dày, mang, trứng, mắt… và sản sinh rất nhanh, khiến tôm bị nhiễm bệnh nặng và sau đó tiếp tục phát tán ra môi trường bên ngoài gây bệnh cho cả đàn tôm.
1. Lây nhiễm và triệu chứng bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng
Virus gây bệnh có khả năng lây nhiễm qua nhiều đường, như:
- Từ tôm bố mẹ sang tôm con: WSSV không lây từ mẹ sang trứng (do trứng bị nhiễm virus sẽ không chín), những ấu trùng vẫn có thể bị lây nhiễm virus do tôm mẹ thải vào môi trường;
- Từ các loài giáp xác hoang dã như cua, còng, tôm, tép… sang tôm nuôi;
- Từ nguồn nước bị nhiễm virus được cấp vào ao (WSSV có khả năng chịu mặn và chịu nhiệt cao, chỉ chết khi nhiệt độ lên đến 80 độ C;
- Từ tôm bệnh bị tôm khỏe ăn trong quá trình lột xác;
- Từ các dụng cụ dùng chung như vỏ, chài, lưới…
Ở đàn tôm mắc bệnh đốm trắng, triệu chứng chung thường gặp là tôm ăn nhiều đột ngột, sau đó giảm ăn lạ thường. Tôm có thể bị bệnh đen mang hoặc cụt râu, sau đó xuất hiện vài con nổi đầu dọc bờ ao, số lượng tăng dần. Thân tôm đôi khi chuyển màu hồng đỏ và xuất hiện đốm trắng đường kinh 0,5-2 mm dưới vỏ giáp đầu ngực và trên đốt bụng.
Trong 3-7 ngày sau khi xuất hiện các đốm trắng, tôm bắt đầu chết với tỷ lệ cao (có thể lên tới 100%). Ở mức độ cấp tính, bệnh có thể chuyển biến nhanh chỉ trong 2-3 ngày, tôm dạt vào bờ và chết dữ dội mà không xuất hiện các dấu hiệu của đốm trắng.
2. Phòng và trị bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng
Hiện chưa có thuốc đặc trị cho bệnh đốm trắng nên chủ yếu vẫn là phòng bệnh bằng các phương pháp phòng bệnh chung như:
- Chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm bệnh;
- Cải tạo tốt ao nuôi ngay từ đầu vụ để diệt virus tự do và các vật chủ trung gian;
- Xử lý nước triệt để qua ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi;
- Thường xuyên theo dõi và duy trì các yếu tố môi trường (pH, độ mặn, độ kiềm…) ở mức thích hợp và ổn định, đồng thời định kỳ 7-10 ngày/lần sử dụng chế phẩm vi sinh TA-Gold để phân hủy mùn bã hữu cơ trong ao, cải thiện chất lượng nước và cung cấp thêm các vi sinh có lợi cho môi trường sống của tôm;
- Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu vào bữa ăn thường ngày để giúp tôm tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các tác nhân gây bệnh.
Với những ao tôm đã nhiễm bệnh, cần nhanh chóng thu hoạch ngay để hạn chế tổn thất. Tuy nhiên, bà con cũng nên bình tĩnh xử lý vì ngoài nguyên nhân do virus (với tỷ lệ chết cao), tôm nuôi cũng có thể xuất hiện đốm trắng từ các nguyên nhân khác như môi trường và vi khuẩn.
2.1.Bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng do vi khuẩn:
Vi khuẩn gây hội chứng đốm trắng (WSSB) có thể làm xuất hiện đốm trắng (nhỏ và ít hơn so với do virus WSSV) trên tôm nuôi. Tôm bị nhiễm khuẩn vẫn hoạt động ăn mồi và lột vỏ bình thường, tuy nhiên quá trình lột vỏ bị chậm lại, tôm chậm lớn và có thể chết rải rác nếu bị nhiễm nặng. Thường thì hầu hết tôm sẽ bị đóng rong, mang bị bẩn và có hiện tượng thoái hóa vỏ, chuyển màu sang nâu sậm.
Trong trường hợp bị đốm trắng do nhiễm khuẩn, tôm sẽ giảm ăn, phát triển chậm nhưng không có hiện tượng tôm chết hàng loạt. Với trường hợp này, biện pháp tốt nhất là cố gắng loại bỏ hoàn toàn những con tôm bệnh ra khỏi ao nuôi. Sau đó, nhanh chóng xử lý môi trường bằng cách sử dụng TA-Pondpro (liều 500g/1000m3), tạt vào lúc 8 – 9 giờ sáng, liên tục trong 3-5 ngày. Kết hợp cho tôm ăn T-Food (cải thiện đường ruột) và TA-BetaGlucan (hỗ trợ gan) với liều dùng gấp 2-3 lần bình thường để kích thích hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho tôm.
2.2.Bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng do môi trường:
Tôm cũng có thể xuất hiện đốm trắng do hấp thụ quá nhiều canxi và magiê khi sống lâu ngày trong môi trường ao nuôi có độ pH cao. Tuy nhiên, tôm nhìn chung vẫn khỏe mạnh, hoạt động và bắt mồi ở mức bình thường, và không có hiện tượng tôm tấp bờ.
Trong trường hợp này, cần hạ độ pH của ao xuống dưới mức 8,0 (nhưng phải trên 7,5 vào buổi sáng). Song song với việc cho tôm ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, kết hợp các biện pháp kích thích lột xác để các đốm trắng biến mất trong lần lột xác kết tiếp.
Để xác định rõ, tốt nhất nên tiến hành các biện pháp kiểm tra mô bệnh học và PCR để có kết quả chính xác, từ đó có hướng xử lý phù hợp.
Để được tư vấn thêm thông tin, bà con hãy liên hệ Bác sĩ Tôm qua số điện thoại: 0392 73 72 72