Tại Việt Nam, tôm chân trắng hiện đang là vua của ngành nuôi tôm, cả về mặt sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Riêng tháng 5/2001 vừa qua, sản lượng tôm chân trắng đã đạt 60,7 nghìn tấn, tăng gần 70% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 65,2% sản lượng tôm nuôi và 14,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng.
Dẫu tăng trưởng nhanh và ổn định như vậy, nhưng với nhiều người nuôi tôm, con tôm chân trắng vẫn luôn là một canh bạc may rủi với trời. Thế nên, để thắng địch phải hiểu được địch và để nuôi tôm thành công cần phải hiểu con tôm, Trúc Anh Biotech xin chia sẻ tiếp với bà con đôi nét tổng quan về con tôm chân trắng trong bài viết này.
Đặc điểm sinh trưởng
Như nhiều loài giáp xác khác, vỏ của tôm chân trắng thực chất là bộ xương bên ngoài cơ thể của nó. Bộ xương ngoài này không giãn nở, nên để phát triển, con tôm cần phải lột xác qua 4 giai đoạn với các đặc điểm như sau:
1. Giai đoạn sau lột xác
Là giai đoạn kế tiếp ngay sau khi tôm lột xác. Đây là khoảng thời gian từ khi nước được hấp thụ vào máu qua biểu bì, mang, ruột để làm tăng thể tích máu, căng lớp vỏ mới còn mềm dẻo cho đến khi lớp vỏ mới đã cứng lại. Giai đoạn này có thể kéo dài đối với tôm lớn hoặc vài giờ đối với tôm nhỏ.
2. Giai đoạn giữa lột xác
Đây là giai đoạn chiếm thời gian dài nhất. Suốt giai đoạn này võ đã cứng lại nhờ sự tích tụ chất khoáng và protein. Vỏ dày và đầy đủ cả 3 phần.
3. Giai đoạn trước lột xác
Lớp ngoài mô sừng mới sẽ được hình thành vào đầu giai đoạn và hình thành tiếp lớp giữa mô sừng mới vào cuối giai đoạn. Lúc này lớp vỏ cũ đã bong ra khỏi lớp biểu bì ở phía dưới làm cho vỏ tôm có màu trắng đục, báo hiệu tôm sắp sửa lột xác.
4. Giai đoạn lột xác
Chỉ kéo dài vài phút, bắt đầu từ khi lớp vỏ cũ tách ra ở mặt lưng nơi tiếp giáp giữa vỏ đầu ngực và vỏ phần bụng và kết thúc khi tôm thoát hẳn lớp vỏ cũ. Ở giai đoạn này, năng lượng được điều động từ gan, tụy, một phần vỏ cũ cũng được hấp thụ lại, hàm lượng hormone lột xác trong máu tăng cao và sau đó giảm đột ngột ngay trước khi sự lột xác sắp xảy ra.
Qua mỗi lần lột xác, con tôm sẽ tăng trưởng thêm cả về kích thước lẫn trọng lượng. Tốc độ tăng trưởng này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giai đoạn phát triển, giới tính, điều kiện dinh dưỡng, môi trường, v.v. nhưng nhìn chung, bà con cần chủ động kiểm soát 3 yếu tố sau để đảm bảo quá trình lột xác diễn ra suôn sẻ và con tôm tăng trưởng nhanh:
1. Ánh sáng
Cường độ và thời gian chiếu sáng đều ảnh hưởng đến quá trình lột xác. Nếu kéo dài thời gian chiếu sáng hơn bình thường, thời gian lột xác của tôm sẽ rút ngắn lại và ngược lại.
2. Nhiệt độ
Nhiệt độ có ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến quá trình lột xác. Trong nhiệt độ thích hợp (24 – 32 độ C), con tôm sẽ tăng cường hoạt động trao đổi chất, chuẩn bị đầy đủ dinh dưỡng cho quá trình lột xác.
3. Độ mặn
Ở độ mặn thấp (trong khoảng thích hợp), con tôm sẽ tăng cường lột xác, sinh trưởng nhanh hơn.
Ngoài ra, các yếu tố khác như độ pH, hàm lượng NO3-, NO2-, NH4-, v.v. cũng như chu kỳ thủy triều cũng tác động đến quá trình lột xác của con tôm. Dù khó kiểm soát hết, nhưng bà con cũng nên tìm hiểu để có thể tận dụng hay phòng tránh.
Môi trường sống
Trong tự nhiên, tôm chân trắng sống dưới đáy biển với độ sâu và điều kiện nước khác nhau tùy vào thời kỳ phát triển. Tôm trưởng thành thường sống ở vùng biển có độ sâu 70m với độ mặn ổn định, trong khi tôm ấu lại sinh trưởng ở nơi biển nông, gần cửa sông, đầm ven biển, … Nhìn chung, tôm chân trắng là loài có khả năng thích nghi cao, có thể sinh trưởng trong môi trường nước có độ mặn từ 0.00 ‰ – 40 ‰ và nhiệt độ từ 6 – 40 độ C.
Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhốt, để tôm phát triển tốt, bà con nên đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
1. Hàm lượng oxy hòa tan:
Lượng oxy hòa tan lý tưởng là trên 5 mg/L và tối thiểu phải đạt 2 mg/L. Với hàm lượng oxy dưới 5mg/L, tôm vẫn bắt mồi nhưng tiêu thụ thức ăn chậm và tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Còn ở mức 2 – 3 mg/L, tôm sẽ ngừng bắt mồi và yếu hẳn và khi hàm lượng oxy tụt dưới 2 mg/L, tôm sẽ bắt đầu chết ngạt.
2. Nhiệt độ:
Là động vật biến nhiệt, hoạt động sống và phát triển của tôm sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi nhiệt độ nước trong ao nuôi. Để tôm phát triển tốt, nên giữ nhiệt độ nước ao ở mức 24 – 32 độ C.
3. Độ mặn:
Tôm chân trắng có thể thích nghi với độ mặn từ 0‰ đến 40 ‰, nhưng tốt nhất nên giữ độ mặn nước ao ở mức 18‰ – 30‰.
4. Độ pH:
Tôm có thể sinh trưởng tốt trong môi trường có độ pH 7,5 – 8,5, nhưng tối ưu nhất là 7,8 – 8,2 với mức dao động dưới 0,5/ngày. Nếu pH quá thấp (4 – 7) hoặc quá cao (9 – 11), tôm sẽ chậm lớn. Và con tôm sẽ chết nếu độ pH dưới 4 hoặc hơn 11.
5. Độ kiềm:
Nên giữ độ kiềm trong nước thấp, từ 80 mg/L đến 150 mg/L.
6. NH3:
Để tôm phát triển tốt, nên giữ nồng độ NH3 dưới 0,1 mg/L.
7. H2S:
H2S rất độc đối với tôm, làm ảnh hưởng đến quá trình hô hấp khiến tôm giảm ăn và chết. Trong ao nuôi, có thể chấp nhận nồng độ H2S dưới 0,003 mg/L, tuy nhiên cần lưu ý việc độc tính của H2S sẽ tăng khi độ pH thấp.
8. Kim loại nặng:
Các kim loại nặng như: chì (Pb), thủy ngân (Hg), sắt (Fe), nhôm (Al)… sẽ làm tôm bị nhiễm độc và không phát triển được. Thế nên trong quá trình nuôi, cần đảm bảo hàm lượng kim loại nặng trong ao bằng 0.
Nhu cầu dinh dưỡng
Tôm chân trắng là loài ăn tạp thiên về động vật, chủ yếu là động vật phù du. Phổ thức ăn của tôm chân trắng khá rộng, từ bùn bã hữu cơ đến các động vật thủy sinh, tảo, v.v. Nhưng với tôm nuôi công nghiệp, để hạn chế dịch bệnh, bà con không nên cho tôm ăn thức ăn tươi sống mà nên sử dụng thực phẩm vi sinh, premix với các tiêu chí dinh dưỡng chủ yếu như sau:
1. Chất đạm (protein):
Protein là thành phần dinh dưỡng quan trọng trong thức ăn của tôm và thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển, tối ưu nhất là ở mức 35%/khẩu phần ăn. Đặc biệt ở giai đoạn hậu ấu trùng (Postlarvae), tỷ lệ protein cần hơn các giai đoạn sau, thường ở mức 40%.
2. Chất béo (lipid):
Lipid là một trong hai nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho tôm, đồng thời cấu tạo nên màng tế bào cơ thể và giúp hòa tan các vitamin. Tuy nhiên, do tôm không có muối mật và axit mật nên cũng bị hạn chế trong việc tiêu hóa lipid.
Để tôm phát triển tốt, nên giữ hàm lượng lipid trong khẩu phần ăn ở mức 6 – 7,5% và không vượt quá 10%. Vì với tôm nuôi, nếu năng lượng từ thức ăn quá thấp, tôm sẽ sử dụng nguồn năng lượng bổ sung từ các dưỡng chất khác như protein, làm chi phí thức ăn tăng cao. Còn nếu năng lượng trong thức ăn quá cao, tôm sẽ giảm khả năng hấp thụ thức ăn và chất đạm tiêu hóa không đủ để tôm phát triển, dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng và tăng tỷ lệ tử vong.
3. Chất xơ:
Không nên cho ăn thức ăn có quá nhiều chất xơ vì tôm có ruột, dạ dày ngắn nên khả năng tiêu hóa chất xơ rất kém. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo lượng chất xơ hợp lý ở mức 4 – 5% vì chất xơ là chất nền cho quá trình lên men của vi sinh vật sống trong ống tiêu hóa. Ngoài ra, nó còn chứa một lượng nước nhất định, có tác dụng duy trì dịch ruột làm tăng quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của tôm.
4. Vitamin:
Dù không yêu cầu số lượng lớn, vitamin vẫn là nhóm chất hữu cơ quan trọng cho sự phát triển và sức khỏe con tôm, như: vitamin C giúp giảm sốc và tăng sức đề kháng; vitamin A giúp hạn chế thiếu máu, xuất huyết ở mắt, mang, thận và thay đổi màu sắc cơ thể; vitamin K hạn chế tình trạng máu không đông, sinh trưởng giảm.
Tuy nhiên, cần thận trọng khi bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn cho tôm vì nhu cầu vitamin thực tế tùy thuộc vào kích cỡ, tốc độ sinh trưởng, điều kiện dinh dưỡng của từng giai đoạn, đến nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ. Không để tôm thiếu vitamin, nhưng cũng tránh dùng số lượng quá nhiều dẫn đến các bệnh thừa vitamin.
5. Chất khoáng:
Tôm có nhu cầu khoáng đa lượng cao hơn một số động vật thủy sản nuôi khác do thường xuyên thực hiện quá trình lột xác. Tuy nhiên, do hấp thụ và bài tiết chất khoáng trực tiếp từ môi trường nước thông qua mang và bề mặt cơ thể, nên nhu cầu khoáng cho tôm phụ thuộc nhiều vào hàm lượng chất khoáng có trong môi trường tôm đang sống. Để bổ sung thêm khoáng vào khẩu phần ăn cho tôm, nên hạn chế ở mức tối đa 2,3% calci, 1 – 2% phospor và 1 – 2% natri clorua.
Để được tư vấn và có thêm thông tin, bà con hãy liên hệ đến Bác sĩ Tôm qua số điện thoại: 1900 55 88 32.