Tôm thẻ chân trắng – Sơ lược về hình thái, vòng đời phát triển

Tôm chân trắng trưởng thành

Sau khi được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho phép nuôi đại trà từ 2008, tôm chân trắng đã nhanh chóng soán ngôi tôm sú, trở thành loài được nuôi phổ biến nhất tại Việt Nam chỉ trong 5 năm sau đó. Tính riêng giai đoạn 2015-2019, sản lượng tôm chân trắng đã tăng liên tục và tăng mạnh (gần 41%) với mức tăng trung bình 9% mỗi năm, đóng góp cơ cấu hơn 60% tổng sản lượng tôm nuôi.

Tôm chân trắng (P. vannamei) là loài bản địa ở Đông Thái Bình Dương, phân bố chủ yếu từ ven biển Mexico đến miền Trung Peru, nhiều nhất ở vùng biển gần Ecuador. Từ thập niên 1990, sau khi được gia hóa và phát triển nhân giống chọn lọc thành công tại Hoa Kỳ, tôm chân trắng đã nhanh chóng phổ biến ra khắp các vùng nuôi tôm trên thế giới.

Tại Việt Nam, tôm chân trắng hiện đang là vua của ngành nuôi tôm, cả về mặt sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Riêng tháng 5/2001 vừa qua, sản lượng tôm chân trắng đã đạt 60,7 nghìn tấn (tăng gần 70% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái), chiếm 65,2% sản lượng tôm nuôi và 14,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng. Vậy hãy cùng Trúc Anh Biotech điểm qua đôi nét tổng quan về tôm chân trắng để hiểu và nuôi nó thành công hơn.

Đặc điểm hình thái tôm thẻ chân trắng

Tôm chân trắng có màu trắng đục, trên thân không có đốm vằn, chân bò có màu trắng ngà, chân bơi có màu vàng, râu tôm màu đỏ gạch và có chiều dài gấp rưỡi thân. Về mặt cấu tạo, cơ thể chia làm hai phần:

1. Phần đầu ngực gồm:

– Chủy gồm 2 răng cưa ở bụng và 8-9 răng cưa ở lưng;

– 1 đôi mắt kép có cuống mắt;

– 2 đôi râu giữ chức năng khứu giác và giữ thăng bằng;

– 3 đôi hàm: đôi hàm lớn, đôi hàm nhỏ 1 và đôi hàm nhỏ 2, dùng cho việc ăn thức ăn;

– 3 cặp chân hàm dùng cho việc ăn và bơi lội;

– 5 cặp chân ngực dùng cho việc ăn và bò;

– 5 cặp chân bụng dùng  cho việc bơi;

– Đuôi có 1 cặp chân đuôi giúp tôm chuyển động lên xuống và búng nhảy.

2. Phần bụng có 7 đốt gồm:

– 5 đốt đầu, mỗi đốt mang một đôi chân bơi;

– Đốt bụng thứ 7 kết hợp với cặp chân đuôi, tạo thành đuôi giúp cho tôm chuyển động lên xuống và búng nhảy.

Đặc điểm sinh sản tôm thẻ chân trắng

Không như nhiều loài động vật không xương sống khác, tôm chân trắng sinh sản thông qua giao phối và thụ tinh trong. Hoạt động giao phối ở tôm xảy ra chủ yếu vào đêm tôm cái đẻ trứng. Trước đó, tôm đực sẽ đuổi theo, dùng chủy và râu đẩy nhẹ dưới đuôi tôm cái. Khi tôm cái rời đáy bơi lên trên, tôm đực sẽ bơi theo từ phía dưới, lật ngửa thân để ôm tôm cái và gắn túi tinh vào.

Sau khi giao phối vài giờ hoặc vài ngày, tôm cái sẽ giải phóng trứng đã thụ tinh vào nước. Lúc này, tôm cái sẽ nghiêng thân, bơi chậm vòng vòng trên mặt nước và bắt đầu đẻ trứng. Trứng sẽ được phóng ra từ 2 lỗ đẻ ở gốc đôi chân ngực số 3 và chảy ngược về phía sau.

Tôm chân trắng thành thục sinh dục sớm, con cái có khối lượng từ 30-45g đã có thể tham gia sinh sản và có thể đẻ khoảng 100-250 nghìn trứng mỗi lần. Sau mỗi lần đẻ hết trứng, buồng trứng tôm lại phát triển và có thể đẻ tiếp chỉ sau 2 đến 3 ngày sau đó.

Các thời kỳ phát triển tôm thẻ chân trắng

Tôm chân trắng có tốc độ phát triển nhanh, từ trứng thụ tinh đến khi thành tôm trưởng thành (khoảng 40 g/con) chỉ mất khoảng thời gian 180 ngày. Cụ thể, con tôm sẽ đi qua các thời kỳ phát triển như sau:

1. Thời kỳ phôi

Được tính từ khi trứng được thụ tinh đến khi trứng nở. Thời gian phát triển phôi phụ thuộc vào nhiệt độ nước, thường khoảng 14-16 giờ.

2. Thời kỳ ấu trùng

Sau khi nở, tôm trải qua thời kỳ ấu trùng với nhiều lần lột xác và biến thái hoàn toàn, gồm các giai đoạn sau:

  • Nauplius (N): gồm 6 giai đoạn phụ (N1-N6). Ấu trùng N bơi lội bằng 3 đôi chân phụ, theo kiểu zic zắc, không định hướng và không liên tục. Chúng chưa ăn thức ăn ngoài mà dinh dưỡng bằng noãn hoàng dự trữ.
  • Zoea (Z): gồm 3 giai đoạn phụ (Z1-Z3). Mỗi giai đoạn phụ của ấu trùng Z kéo dài khoảng 30 – 40 giờ, làm thay đổi hẳn về hình thái so với N.
  • Giai đoạn Mysis (M): gồm 3 giai đoạn phụ ( M1-M3). Ấu trùng M sống trôi nổi, bơi lội kiểu búng ngược và có đặc tính treo ngược mình trong nước, đầu chúc xuống dưới. Ấu trùng M bắt mồi chủ động, thức ăn chủ yếu là động vật nổi và vẫn có thể ăn tảo Silic.
  • Giai đoạn Postlarvae (PL): hay còn gọi là hậu ấu trùng. Giai đoạn này, ấu trùng PL đã có hình dạng của loài nhưng sắc tố chưa hoàn thiện. PL bơi thẳng có định hướng về phía trước nhờ, hoạt động nhanh nhẹn và bắt mồi chủ động với thức ăn chủ yếu là động vật nổi. Tuổi của PL được tính theo ngày, những ngày đầu vẫn sống trôi nổi nhưng đến ngày thứ 9 – 10 đã chuyển sang sống đáy hoàn toàn.
Tôm chân trắng giai đoạn Nauplius
Tôm chân trắng giai đoạn Nauplius

3. Thời kỳ ấu niên

Tôm chân trắng từ giai đoạn PL5 trở đi được xem là bước vào thời kỳ ấu niên. Ở thời kỳ này, tôm đã có hệ thống mang hoàn chỉnh và bắt đầu chuyển sang sống đáy. Anten 2 và sắc tố thân ngày càng phát triển. Thời kỳ này tương đương với cuối giai đoạn tôm bột và đầu tôm giống trong sản xuất tức là PL5- PL20.

4. Thời kỳ thiếu niên

Tôm bắt đầu ổn định tỷ lệ chân, cơ quan sinh dục ngoài được hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh. Giai đoạn này tương đương với giai đoạn ương giống và nuôi thịt trong sản xuất. Cuối thời kỳ thiếu niên, con cái bắt đầu lớn nhanh hơn con đực.

5. Thời kỳ sắp trưởng thành

Tôm đã có cơ quan sinh dục ngoài hoàn thiện, tôm đực bắt đầu có tinh trùng trong túi tinh, tôm cái đã tham gia giao phối lần đầu. Hiện tượng sinh trưởng không đồng đều giữa 2 giới tính thể hiện rõ rệt hơn trong thời kỳ này.

6. Thời kỳ trưởng thành

Tôm đã có khả năng tham gia sinh sản, bắt đầu chuyển sang sống ở vùng xa bờ, nơi có độ trong cao và độ mặn ổn định.

Tôm giống thẻ chân trắng giai đoạn PL
Tôm giống thẻ chân trắng giai đoạn PL

Trong tự nhiên, trứng tôm sẽ phát triển ngoài khơi rồi theo dòng nước dạt vào bờ. Khi đến vùng triều thì ấu trùng đã chuyển sang giai đoạn PL và tiếp tục theo thủy triều trôi dạt vào vùng cửa sông, phát triển thành ấu niên. Tôm sẽ sống tại vùng cửa sông, nơi có nhiều chất dinh dưỡng trong suốt thời kỳ ấu niên và thiếu niên.

Khi bước vào thời kỳ sắp trưởng thành và trưởng thành thì chúng chuyển dần qua sống ở vùng triều có độ sâu khoảng 7 – 20m. Đối với những con trưởng thành và đã thành thục sinh dục, chúng sẽ di chuyển ra vùng biển khơi có độ sâu khoảng 70m và bắt đầu quá trình sinh sản tại đây.

Để được tư vấn và có thêm thông tin, bà con hãy liên hệ đến Bác sĩ Tôm qua số điện thoại: 0392 73 72 72

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *