Thực vật phù du, cụ thể là vi tảo, là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái ao nuôi. Không chỉ cung cấp oxy qua quá trình quang hợp, thực vật phù du còn là nguồn thức ăn tự nhiên, đồng thời cải thiện chất lượng nước, ức chế sự phát triển của các loài hại khuẩn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho con tôm sinh trưởng.
Thực vật phù du (phytoplankton) là những vi sinh vật sống trôi nổi trong nước. Ngoài vai trò to lớn trong việc cung cấp oxy thông qua quá trình quang hợp, thực vật phù du còn là nguồn thức ăn chủ yếu cho các động vật phù du, ấu trùng giáp xác, động vật thân mềm, và các loài ăn lọc khác như nhuyễn thể. Nói cách khác, thực vật phù du đóng vai trò là sinh vật cung cấp đầu tiên trong hệ sinh thái, nhờ đó mà năng lượng (mặt trời) và vật chất được tích lũy và chuyển đổi.
Trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng, thực vật phù du, đặc biệt là vi tảo, có vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái ao nuôi vì nó vừa là một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn tự nhiên vừa là hệ thống lọc sinh học cực kỳ quan trọng để cân bằng các yếu tố môi trường khác nhau trong ao nuôi. Cụ thể như sau:
1. Nguồn thức ăn tự nhiên
Tôm ăn động vật phù du mà động vật phù thì ăn thực vật phù du, nên vai trò của thực vật phù du là vô cùng cần thiết trong chuỗi thức ăn tự nhiên của tôm. Kể cả với những ao nuôi thâm canh phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp, nguồn thức ăn tự nhiên này cũng không hề kém phần quan trọng vì đây là nguồn dinh dưỡng đầy đủ và vững chắc nhất cho tôm, đặc biệt trong giai đoạn đầu thả giống. Nếu tận dụng tốt, con tôm sẽ tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời giúp bà con giảm chi phí đầu tư vào thức ăn cho tôm.
2. Nguồn cung cấp oxy
Thực vật phù du bao gồm vi tảo là nhóm sử dụng diệp lục tố để quang hợp và tổng hợp các chất hữu cơ từ CO2 và năng lượng mặt trời. Thông qua quá trình này, thực vật phù du sẽ tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với lượng oxy khuếch tán từ khí quyển vào nước ao (bằng gió, quạt nước).
3. Hạn chế khí độc trong ao nuôi
Khi phát triển đúng mức, thực vật phù du sẽ phần nào che phủ bề mặt ao khỏi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Điều này sẽ làm chậm sự phân hủy chất hữu cơ trong ao, gián tiếp hạn chế sự hình thành các chất độc có hại cho tôm. Ngoài ra, vi tảo cũng có khả năng hấp thụ ion NH4+, phần nào làm giảm khí amoniac gây độc trong ao.
4. Ức chế vi khuẩn có hại
Thực vật phù du là những sinh vật cạnh tranh dinh dưỡng trực tiếp với vi khuẩn. Việc phát triển các nhóm thực vật phù du, cụ thể là tảo khuê, tảo lục, ở mức hợp lý đã được chứng minh về tính hiệu quả trong việc ức chế các hại khuẩn gây bệnh trên tôm, giúp giảm chi phí và rủi ro từ việc sử dụng kháng sinh.
Để thêm phần hiệu quả, khi nuôi tảo (gây màu nước), bà con nên kết hợp sử dụng TA-Gold – một chế phẩm vi sinh được lên men từ lợi khuẩn Bacillus spp. – với liều lượng: 1 kg TA-Gold + 10kg cám + 5kg đậu nành (xay) + 4kg mật đường cho 1000-1500 m3 nước, ủ 12-24 giờ rồi tạt xuống ao.
5. Chỉ báo chất lượng môi trường nước
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, thực vật phù du bị chi phối trực tiếp bởi các điều kiện môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ trong, độ kiềm, hàm lượng dinh dưỡng và các yếu tố sinh học khác. Thế nên, chúng còn có vai trò như một chỉ báo chất lượng môi trường nước thông qua mức độ tăng trưởng của mình. Ao nuôi có môi trường tốt là ao nuôi có hệ thực vật phù du phát triển ở mức hợp lý, không quá nhiều cũng không quá ít. Mỗi biến động trong sinh khối thực vật phù du là một dấu hiệu cho thấy ao nuôi đang có vấn đề cần được sớm phát hiện và giải quyết.
Tuy nhiên, như mọi yếu tố khác, thực vật phù du có mặt tốt và cũng có mặt xấu. Bên cạnh các loài có lợi như là tảo khuê, tảo lục, thực vật phù du cũng có những loài tảo độc như tảo lam, tảo giáp, tảo mắt mà khi tôm ăn vào có thể bị ngộ độc, mắc các bệnh đường ruột và tạo điều kiện cho các mầm bệnh khác tấn công.
Ngoài ra, thực vật phù không chỉ quang hợp (sử dụng CO2 và tạo ra O2) mà chúng cũng hô hấp (sử dụng O2 và tạo ra CO2), điều này dẫn đến sự biến động hàm lượng oxy hòa tan trong nước theo chu kỳ ngày-đêm. Hơn thế nữa, quá trình quang hợp của thực vật phù du sử dụng CO2 trong nước cũng làm giảm độ pH, ảnh hưởng đến môi trường sống của tôm nếu không được kiểm soát tốt. Và đáng quan ngại nhất là hiện tượng tảo nở hoa khi hệ thực vật phù du trong ao phát triển quá mức, làm sụp đổ hệ sinh thái ao nuôi và ảnh hưởng lớn tới sự sinh trưởng của con tôm.
Thế nên, bà con cần hết sức thận trọng trong việc phát triển và quản lý thực vật phù du trong ao nuôi, cụ thể là vi tảo. Phải tạo điều kiện cho các loài có lợi phát triển, đồng thời thường xuyên theo dõi và kiểm soát để giữ chúng ở mức hợp lý. Làm tốt việc này là điều kiện thiết yếu để con tôm có thể sinh trưởng tối ưu trong một một trường lành mạnh.