Để đảm bảo một vụ tôm thành công thì chuẩn bị ao nuôi là khâu kỹ thuật quan trọng cần được chú ý ngay từ đầu vì ao nuôi có được chuẩn bị tốt thì mới hạn chế được các tác nhân gây bệnh, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển.
Vạn sự khởi đầu ao, khi nuôi tôm chân trắng, đặc biệt là nuôi thâm canh, chuẩn bị ao nuôi là khâu kỹ thuật đầu tiền cần phải làm thật kỹ lưỡng. Bởi lẽ, chưa nói đến nguy cơ lây lan mầm bệnh, tôm nuôi cũng khó phát triển tốt nếu môi trường nuôi nhốt nghèo dưỡng chất hoặc bị ảnh hưởng bởi các loại khí độc như H2S, NH3 và NO2 (do sự tích tụ lâu dài các chất thải từ thức ăn dư thừa, phân tôm và chất hữu cơ trong quá trình nuôi). Vậy nên, để loại bỏ các tác nhân gây hại này, bà con cần chuẩn bị thật tốt ao nuôi theo các lưu ý sau đây.
1. Vệ sinh khử trùng ao
Để loại bỏ các loại địch hại (cua, ốc, côn trùng, cá tạp…) cũng như tiêu diệt các mầm bệnh có thể có trong ao, cần tháo cạn nước, sên vét bùn và tiến hành vệ sinh khử trùng đáy ao kỹ lưỡng theo các bước sau:
- Bơm sục đáy ao để tẩy rửa chất thải;
- Xới đất với độ sâu từ 5-10 cm, bón vôi nông nghiệp để diệt khuẩn và ổn định pH nền đáy ao. Cần chỉnh lượng vôi bón cho phù hợp với độ pH của đất;
pH của đất | Lượng vôi (tấn/ha) |
4,5 – 5,0 | 1,5 – 2,5 |
5,1 – 6,0 | 1,0 – 1,5 |
6,1 – 6,5 | 0,5 – 1,0 |
Bảng 1. Lượng vôi sử dụng theo pH đất
- Cấp nước vào ao ở mức tầm 1 mét và ngâm 3 đến 5 ngày;
- Sau đó, rửa hết nước có vôi sống và tiến hành phơi khô nền đáy tối thiểu 10 ngày trước khi chính thức cấp nước vào để thả giống.
Với các ao cũ, thời gian phơi đáy ao nên kéo dài từ 1 đến 2 tháng để hoàn toàn ngắt vụ, tiêu diệt mầm bệnh, khoáng hóa và phục hồi môi trường nền đáy. Ngoài ra, cũng cần tu sửa và làm vệ sinh bờ ao, hệ thống cấp thoát nước, cũng như lưới rào, bạt lót, để hạn chế rò rỉ và tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài.
2. Chuẩn bị nước cấp vào ao nuôi
Nước được cấp vào ao nuôi cần được lọc kỹ và nuôi cho thuần để giảm thiểu mật độ vi khuẩn gây bệnh và đảm bảo có đầy đủ phiêu sinh trong nước để làm thức ăn cho tôm trong tháng nuôi đầu tiên. Đặc biệt với mô hình nuôi tôm thâm canh, cần phải xây dựng ao lắng để xử lý nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi theo các bước sau:
- Khi mực nước triều lên cao nhất, tiến hành lấy nước vào ao lắng qua túi lọc để hạn chế rác và các loài dịch hại;
- Để cho ổn định trong 3 đến 7 ngày rồi diệt tạp, diệt khuẩn vào buổi sáng (tầm 8 giờ) hoặc chiều (tầm 4 giờ) bằng TA-Superdine hoặc Finishnano và những chất diệt khuẩn khác được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như Chlorine, Iodine, BKC…;
- Quạt nước liên tục trong 10 ngày để giải phóng dư lượng thuốc diệt khuẩn;
- Thả cá rô phi (cỡ 50gr/con) vào ao lắng với mật độ 3-5 con/m2 và duy trì nuôi liên tục trong suốt quá trình.
Tiếp đó, lấy nước đã được xử lý từ ao lắng vào ao nuôi qua túi lọc cho đủ mực nước từ 1,4 đến 1,5 mét rồi tiến hành gây màu nước ao nuôi bằng TA-Gold theo công thức: 1kg TA-Gold +10kg cám gạo + 5kg đậu nành (xay) + 4kg mật đường cho 500 đến 2,000m3 nước, ủ 12-24 tiếng trước khi tạt xuống ao.
Để 5 đến 7 ngày cho màu nước lên đạt rồi kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường nước ao nuôi sao cho trong ngưỡng thích hợp khi thả giống. Để tăng chất lượng nước, có thể bổ sung thêm các khoáng chất thiết yếu bằng TA-Mix 100 hoặc các các chế phẩm sinh học như TA-Pondpro, nhưng tuyệt đối không dùng phân vô cơ hoặc hóa chất trong giai đoạn này.
Thông số | Đơn vị | Giá trị cho phép |
Ô-xi hòa tan (DO) | mg/l | ≥ 3,5 |
pH | 7÷9, giao động trong ngày không quá 0,5 | |
Độ mặn | ‰ | 5÷35 |
Độ kiềm | mg/l | 60÷180 |
Độ trong | cm | 20÷50 |
NH3 | mg/l | < 0,3 |
H2S | mg/l | < 0,05 |
Nhiệt độ | 0C | 18÷33 |
Bảng 2. Thông số chất lượng nước cấp vào ao nuôi
Khi đã cấp nước vào ao nuôi và gây màu, phải thả giống trong trong vòng 15 tới 30 ngày sau đó. Để tiết kiệm thời gian và chi phí, bà con có thể cân nhắc sử dụng ao nuôi từ vụ trước để nuôi tiếp vụ mới nếu lượng bùn ở đáy ao ít và chất lượng nước còn tốt, nhưng cần xử lý nước và đáy bằng các chế phẩm vi sinh với liều lượng cao gấp 2-3 lần bình thường trước khi thả giống.
Ngoài ra, bà con cũng cần lưu ý lắp đặt hệ thống quạt nước phù hợp để đảm bảo nhu cầu ô-xi cho tôm nuôi. Và việc chuẩn bị ao cũng nên cân nhắc đến các đặc điểm khác biệt giữa những mô hình nuôi khác nhau như bán thâm canh, thâm canh 1 giai đoạn, thâm canh 2 giai đoạn hay thâm canh 3 giai đoạn.
Để được tư vấn và có thêm thông tin, bà con hãy liên hệ đến Bác sĩ Tôm qua số điện thoại: 0392 73 72 72