Các yếu tố gây bệnh trong nuôi tôm

Tôm là động vật bậc thấp, không có hệ miễn dịch đặc hiệu nên khả năng kháng mầm bệnh kém. Thế nên, khi sinh trưởng trong môi trường nuôi nhốt, tôm rất dễ bị bệnh từ nhiều tác nhân khác nhau như virus, vi khuẩn, nấm, tảo độc…

Khác với trong môi trường tự nhiên, con tôm nuôi sinh trưởng trong môi trường nuôi thả nhân tạo rất mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Vì dù có xử lý tốt thế nào, ao nuôi về bản chất vẫn là một môi trường khép kín với chất thải từ phân tôm, thức ăn thừa thối rữa, vỏ tôm lột phân hủy… tích tụ dần theo quá trình nuôi. Điều này tạo điều kiện lý tưởng cho các tác nhân gây bệnh phát triển, khiến con tôm dễ dàng mắc bệnh một khi bị sốc hay suy giảm sức đề kháng. Có thể kể đến các tác nhân gây bệnh phổ biến sau:

1. Virus

Virus, còn được gọi là siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng, là ký sinh trùng siêu nhỏ không thể tự sinh sản và tự tạo protein nên hoàn toàn phụ thuộc vào vật chủ ký sinh. Ở tôm nuôi, có thể nói virus là tác nhân gây bệnh chính với những bệnh nguy hiểm thường gặp như: bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử cơ (IMNV), hội chứng taura trên tôm (TSV)…

Bệnh do virus có khả năng lây lan nhanh và rộng, ở giai đoạn cấp tính có thể dễ dàng gây ra hiện tượng tôm chết hàng loạt. Hiện không có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị cho các bệnh do virus nên chủ yếu vẫn là phòng tránh bệnh bằng cách vệ sinh khử trùng kỹ lưỡng ao nuôi và làm tốt khâu chọn giống.

2. Vi khuẩn

Vi khuẩn, hay còn gọi là vi trùng, là một nhóm sinh vật đơn bào, có kích thước nhỏ và thường có cấu trúc tế bào đơn giản không có nhân. Vi khuẩn là tác nhân thường xuyên có mặt trong ao nuôi, vừa có lợi như các chủng Lactobacillus, Bacillus spp, Nitrosomonas… lại vừa có hại, gây bệnh cho tôm, đặc biệt là chủng Vibrio spp.

Ở tôm nuôi, có các bệnh do vi khuẩn thường gặp như bệnh phát sáng, hoại tử cục bộ, bệnh đốm đen, bệnh phân trắng… Để phòng bệnh, cần quản lý môi trường ao nuôi kỹ lưỡng và xử dụng các chế phẩm vi sinh như TA-Pondpro để thúc đẩy sự phát triển hệ vi sinh vật có lợi trong ao nuôi. Ngoài ra, cũng có thể dùng T-Food, một chế phẩm vi sinh sử dụng lợi khuẩn Lactobacillus spp lên men, để cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột của tôm, vừa giúp hạn chế sự phát triển của các hại khuẩn vừa tăng cường khả năng tiêu hóa thức ăn để tôm mau lớn.

Với các trường hợp nhiễm khuẩn nặng, có thể sử dụng kháng sinh nhưng cần hết sức cẩn trọng về liều lượng và thời gian dùng.

3. Động vật nguyên sinh

Động vật nguyên sinh là một dạng sống đơn giản, mặc dù cơ thể chỉ có một tế bào, nhưng có khả năng thực hiện đầy đủ các hoạt động sống như một cơ thể đa bào hoàn chỉnh. Ao nuôi được chăm sóc kém, thức ăn dư thừa nhiều, hàm lượng hữu cơ cao sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho động vật nguyên sinh sinh sôi, đặc biệt là các chủng Zoothamnium, Epistylis, Vocticella… Chúng sẽ cạnh tranh oxy hòa tan đồng thời bám vào cơ thể tôm (cùng với tảo, nấm và các loại khác) gây bệnh đóng rong, bệnh đen mang mà nếu không kịp thời điều trị sẽ khiến tôm yếu dần, lột vỏ bất thường và có thể bội nhiễm với các yếu tố vi khuẩn khác.

Ngoài ra, các động vật nguyên sinh này còn bám vào nền đáy ao, tạo nên lớp nhớt trên bề mặt, tích tụ chất thải và trở thành nơi cư trú của nhiều vi khuẩn gây hại. Các nhớt này cũng là thức ăn ưa thích của tôm, từ đó gián tiếp gây nên các bệnh gan và đường ruột. Thế nên, cần phải định kỳ xử lý đáy và nước ao nuôi bằng các chế phẩm vi sinh để ổn định chất lượng môi trường nuôi. Song song với việc duy trì hàm lượng oxy hòa tan ở mức cao và cần quản lý kỹ chế độ ăn của tôm, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng nhưng cũng tránh dư thừa.

4. Môi trường

Môi trường, cụ thể là chất lượng nước, là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của tôm nuôi. Có nhiều yếu tố quyết định chất lượng môi trường như: nhiệt độ, hàm lượng oxy hòa tan, độ pH, độ kiềm… và cả các kim loại nặng, và sự thay đổi các yếu tố này sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp gây bệnh cho tôm.

Chẳng hạn như môi trường có điều kiện pH thấp và nhiều ion kim loại nặng như Fe3+, Al3+sẽ gây bệnh đen mang trên tôm (do các ion kim loại nặng bị muối hóa); hay môi trường tích tụ nhiều chất hữu cơ khiến hàm lượng khí độc NH3, H2S tăng cao, kết hợp với các yếu tố hàm lượng oxy hòa tan thấp và độ pH cao có thể gây bệnh phồng mang, vàng mang.

Để hạn chế tác nhân gây bệnh từ môi trường, cách tốt nhất là thực hiện tốt các biện pháp quản lý môi trường. Song song với việc thường xuyên kiểm tra theo dõi và nhanh chóng xử lý khi xảy ra vấn đề.

Bên cạnh các tác nhân kể trên, tôm còn có thể bị bệnh bởi nhiều tác nhân khác như nấm, tảo, thời tiết… Ngoài ra, sức đề kháng của tôm cũng là một nhân tố mang tính quyết định vì khi tôm có sức đề kháng yếu hoặc thường xuyên bị sốc sẽ dễ dàng bị tác nhân gây bệnh xâm nhập.

5. Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Với người nuôi tôm, để xảy ra bệnh trong đàn nuôi là điều rủi ro không ai muốn xảy ra. Vì một khi tôm bệnh, với môi trường nuôi nhốt mật độ cao và tập tính ăn xác đồng loại, bệnh sẽ nhanh chóng lây lan cho cả đàn tôm. Mà việc trị bệnh, hoặc chưa có thuốc đặc trị hoặc tốn kém mà không hiệu quả vì tôm bệnh thường bỏ ăn, khiến thuốc trộn trong thức ăn không vào được cơ thể tôm.

Bổ sung vi khoáng cho tôm
Trong nuôi tôm phòng bệnh vẫn là yếu tố chủ đạo quyết định sự thành bại của vụ nuôi

Thế nên, trong nuôi tôm thì phòng bệnh vẫn là yếu tố chủ đạo quyết định sự thành bại của vụ nuôi. Cần làm tốt công tác phòng bệnh ngay từ khâu chọn giống, cải tạo ao và xử lý nước, đồng thời duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tôm bằng cách:

  • Tăng cường quạt nước để cung cấp oxy, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh phân hủy chất thải và giải phóng khí độc;
  • Cắt giảm thức ăn dư thừa để giảm áp lực chất thải gây ô nhiễm môi trường ao;
  • Hạn chế thay nước, và chỉ thay bằng nguồn nước đã xử lý qua ao lắng;
  • Định kỳ 7-10 ngày/lần sử dụng chế phẩm vi sinh TA-Gold để phân hủy mùn bã hữu cơ, đồng thời bổ sung các loại vi sinh có lợi để giúp môi trường ao nuôi thuận lợi cho tôm sinh trưởng;
  • Nâng cao sức đề kháng của tôm bằng các loại vitamin và khoáng chất.

Cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe cũng như các thông số môi trường nước để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp phát hiện tôm bệnh, cần sớm xác định tác nhân gây bệnh bằng các phương pháp kiểm tra chính xác như mô bệnh học, PCR và tiến hành chữa bệnh đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian.

Để được tư vấn và có thêm thông tin, bà con hãy liên hệ đến Bác sĩ Tôm qua số điện thoại: 0392 73 72 72

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *